MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tạm ngừng 3 lô sản phầm Human Albumin 20% nghi nhiễm bệnh bò điên

Tạm dừng lô dịch truyền nghi nhiễm bệnh bò điên

L.Hà LDO | 18/09/2017 10:21
Ông Nguyễn Tất Đạt - Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ký văn bản yêu cầu tạm ngừng mua, bán và sử dụng trên toàn quốc đối với 3 lô sinh phẩm Human Albumin 20%.

Yêu cầu trên được đưa ra sau khi có những cảnh báo quốc tế về việc nghi ngờ khả năng sản phẩm này nhiễm bệnh nhũn não - bò điên (Creutzfeld-Jakob) của Ban Kinh tế thương mại - Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Kèm cảnh báo nhanh của Cục Quản lý Dược Italy, Viện Dinh dưỡng và Dược phẩm quốc gia Hungary, một số lô sinh phẩm có nguồn gốc máu và huyết tương do Human BioPlazma Kft sản xuất có nghi ngờ về khả năng nhiễm bệnh Creutzfeld-Jakob (bệnh bò điên). Hiện việc nhiễm bệnh bò điên cũng như chủng gây bệnh chưa được khẳng định.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Công ty TNHH Bình Việt Đức, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM (công ty nhập khẩu) về việc các lô sinh phẩm y tế có nghi ngờ bị nhiễm bệnh Creutzfeld-Jakob đã được nhập vào Việt Nam. Gồm 3 lô dịch truyền Human Albumin 20% do công ty CP Dược phẩm TƯ CPC1 phân phối có số lô: 29610616, 29700916, 29590616.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, trong thời gian chờ Cục Quản lý Dược phối hợp với Viện Dinh dưỡng và Dược phẩm quốc gia Hungary kiểm tra, đánh giá tính an toàn của sản phẩm, Bộ Y tế yêu cầu tất cả Sở Y tế, bệnh viện và các công ty nhập khẩu, phân phối thuốc trên toàn quốc, tạm dừng mua bán và sử dụng 3 lô sinh phẩm nói trên. Đồng thời, thông báo đến các cơ sở kinh doanh, điều trị tạm ngừng mua, bán sử dụng sản phẩm Human Albumin 20% (200mg) lọ 50ml và bảo quản theo đúng điều kiện ghi trên nhãn của sản phẩm trong trường hợp đã phân phối ra khỏi kho của công ty.

Các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước tăng cường theo dõi, xử trí trường hợp phản ứng có hại của các thuốc trên (nếu có), báo cáo Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (13-15 Lê Thánh Tông, Hà Nội). Hoặc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc tại TP.HCM (201B Nguyễn Chí Thanh, quận 5).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn