MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân được chủ động đo huyết áp khi đến cơ sở y tế khám các bệnh lý khác. Ảnh: NGUYỄN LY

Tăng huyết áp và nỗi lo biến chứng suy tim, đột quỵ

NGUYỄN LY LDO | 20/04/2024 20:25

TPHCM - Bệnh cao huyết áp hiện là một trong những bệnh lý phổ biến trong cộng đồng và được biết đến là "kẻ giết người thầm lặng", do những biến chứng nguy hiểm như suy tim, đột quỵ, và có tỉ lệ tử vong cao trong số các bệnh lý không lây nhiễm hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Lý (58 tuổi, tỉnh Đồng Nai), đã có tiền sử bệnh cao huyết áp trong 2 năm qua. Trong năm đầu tiên sau khi phát hiện mắc bệnh, bà Lý thường xuyên sử dụng thuốc để điều chỉnh huyết áp. Tuy nhiên, sau thời gian đó, bà đã ngừng sử dụng thuốc vì cho rằng có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau hơn một năm quan sát bệnh tình.

Bà Lý chia sẻ: "Tôi thấy những người xung quanh tôi cũng mắc bệnh cao huyết áp , nhưng họ không sử dụng thuốc vẫn thấy khỏe mạnh, nên tôi cũng không sử dụng. Chồng tôi đã mua một máy đo huyết áp tự động cho nhà, nên tôi tự kiểm tra sức khỏe của mình".

Ở các bệnh viện và các cơ sở y tế cơ bản, việc điều trị và chăm sóc các bệnh lý không lây lan rất phổ biến, đặc biệt là với bệnh cao huyết áp. Đa số những người có nguy cơ cao mắc bệnh này đều được kiểm tra khi đến các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc duy trì điều trị vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là do ý thức của người dân hiện nay chưa đủ cao, dẫn đến những biến chứng của căn bệnh thầm lặng này rất lớn.

GSTS.BS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam, chia sẻ trong Hội nghị Tim mạch thường niên lần 2 với chủ đề "Điều trị bệnh tim mạch: Hiện tại và Tương lai" do Bệnh viện FV tổ chức tại TPHCM ngày 20.4, cho biết, tần suất phát hiện bệnh cao huyết áp ngày càng cao, việc tiến hành sàng lọc và đánh giá trong cộng đồng ngày càng phổ biến. Có thể nhận thấy, tỉ lệ mắc bệnh cao huyết áp tăng cao.

Tỉ lệ mắc bệnh cao huyết áp hiện nay ở Việt Nam khoảng 33%. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các biến chứng cũng đang gặp một số hạn chế. Bộ Y tế đã đề ra tiêu chí về việc tăng cường nhận thức, tuân thủ điều trị bệnh nhân hơn và kiểm soát được mục tiêu để đưa các chỉ số huyết áp về mức bình thường, từ đó giảm thiểu các biến chứng của bệnh nhân. Hai biến chứng đáng lo ngại nhất hiện nay vẫn là bệnh tim mạch và đột quỵ.

Theo TS.BS. Hồ Minh Tuấn - Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện FV, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Trong đó có liên quan đến biến chứng của bệnh huyết áp gây ra tỉ lệ tử vong cao cho bệnh nhân tim mạch.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người (chiếm tới 33% các ca tử vong).

Chính vì mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới tập trung vào cải tiến các phương pháp chẩn đoán và điều trị. Nhờ đó, liên tục có các tiến bộ mới trong lĩnh vực tim mạch được công bố mỗi năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn