MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19 tại lều dã chiến. Ảnh: Hải Nguyễn

Test nhanh COVID-19 âm tính đã có thể yên tâm không nhiễm bệnh chưa?

Thùy Linh LDO | 02/04/2020 19:24
Mục tiêu của xét nghiệm nhanh COVID-19 là phát hiện các trường hợp nghi ngờ để thành phố tổ chức cách ly y tế - tách các trường hợp nhiễm bệnh, xét nghiệm khẳng định, điều trị kịp thời, xử lý ổ dịch, tránh lây lan rộng ra cộng đồng.

Bắt buộc xét nghiệm Realtime PCR để khẳng định nhiễm virus SARS-CoV-2

Test nhanh COVID-19 hiện đang được triển khai tại các điểm xét nghiệm dã chiến của Hà Nội, bước đầu đã ghi nhận 3 mẫu dương tính nhưng sau đó xét nghiệm PCR đã cho kết quả âm tính cả 3 ca này. Trước thông tin này, nhiều người tỏ ra nghi ngờ độ chính xác của test nhanh COVID-19.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội cho biết: Để chẩn đoán xác định có mắc dịch bệnh COVID-19 hay không, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như chỉ đạo của Bộ Y tế, hiện nay Trung tâm triển khai xét nghiệm chẩn đoán xác định kỹ thuật sinh học phân tử trên máy Realtime RT-PCR. Đây là kỹ thuật hiện đại, chẩn đoán chính xác có mắc bệnh COVID-19 hay không.

Tuy nhiên, để tổ chức sàng lọc phát hiện sớm những người nghi ngờ nhiễm bệnh COVID-19 thì thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh. Test nhanh này là test nhanh xét nghiệm kháng thể. Những người nào nhiễm về mặt miễn dịch từ 3 - 5 ngày sau có thể phát hiện được kháng thể với test này.

Trả lời câu hỏi nếu xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính thì đã đủ yên tâm hay chưa, PGS Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Đối với việc chẩn đoán dịch bệnh COVID-19, để khẳng định phải dùng xét nghiệm Realtime RT-PCR theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Và toàn thế giới hiện nay đều áp dụng phương pháp này.

Tuy nhiên, để sàng lọc phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ để cách ly y tế và xét nghiệm khẳng định thì việc xét nghiệm nhanh tại cộng đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

PGS Nguyễn Nhật Cảm. Ảnh: T.Linh
Test nhanh có 2 loại, 1 loại là phân loại kháng nguyên, 1 loại là phân loại kháng thể. Kháng thể là chất cơ thể sinh ra để chống lại các tác nhân virus. Phải có thời gian nhất định thì mới có kháng thể.

Khi có kháng thể, có nghĩa rằng cơ thể mình có thể đã xuất hiện virus xâm nhập, lúc đó máu mới kích thích để sản sinh ra kháng thể và là dấu hiệu cảnh báo để chúng ta sàng lọc.

Test nhanh âm tính vẫn cần cách ly tại nhà

Theo ông Cảm, khi nồng độ kháng thể đủ lớn thì test mới phát hiện được nhiễm bệnh, còn nếu thấp quá thì cũng chưa phát hiện được nhiễm bệnh. Chính vì vậy, nếu test nhanh có kết quả là dương tính thì cần tiếp tục xét nghiệm khẳng định bằng Realtime PCR.

Còn khi test nhanh có kết quả âm tính, chúng tôi khuyến cáo nếu trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh dưới 7 ngày mà kết quả âm tính thì chưa khẳng định được là có nhiễm bệnh hay không và cần tiếp tục cách ly tại nhà, khoảng 5-7 ngày sau tiến hành xét nghiệm lại.

Trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh từ 7 ngày trở lên rồi, mà xét nghiệm âm tính về cơ bản có thể yên tâm, nhưng nguyên tắc vẫn phải tiếp tục cách ly 14 ngày theo quy định và khi có biểu hiện ho, sốt cần báo cho nhân viên y tế tại địa phương để thực hiện xét nghiệm.

Như vậy, mục tiêu của xét nghiệm nhanh là phát hiện các trường hợp nghi ngờ để thành phố tổ chức cách ly y tế - tách các trường hợp nhiễm bệnh, xét nghiệm khẳng định, điều trị kịp thời, xử lý ổ dịch, tránh lây lan rộng ra cộng đồng.

PGS Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh: "Để khẳng định có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay dịch bệnh COVID-19 thì cần sử dụng kỹ thuật xét nghiệm Realtime PCR. Loại test nhanh kể trên nhập khẩu từ Hàn Quốc nhằm sàng lọc người nghi nhiễm, người đang thuộc diện cách ly có tiền sử dịch tế đi/đến/ở khu vực có ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai".

Với các trường hợp dương tính sau test nhanh sẽ được xét nghiệm khẳng định bằng Realtime PCR có độ chính xác đạt 100%. Việc xét nghiệm nhanh để sàng lọc sớm nhằm phát hiện những trường hợp nghi ngờ, sau đó sẽ tiếp tục xét nghiệm khẳng định để chắc chắn trường hợp này có nhiễm dịch bệnh COVID-19 hay không, qua đó sẽ có biện pháp xử lý dịch bệnh kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn