MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thả muỗi chống sốt xuất huyết tại 8 thôn ở TP. Nha Trang

Châu Tường LDO | 12/01/2018 09:56
Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt kế hoạch thả thí điểm muỗi mang Wolbachia nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH) của Dự án hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam. 

Chiều 11.1, tại TP. Nha Trang, Dự án hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam đã tổ chức họp báo thông báo về kế hoạch thả muỗi Wolbachia tại xã Vĩnh Lương (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Họp báo thông báo kế hoạch thả muỗi Wolbachia vào tự nhiên ở TP.Nha Trang. Ảnh: Châu Tường

TS.BS Nguyễn Bình Nguyên - điều phối viên thực địa dự án - cho biết trong năm 2018, dự án sẽ thả muỗi mang Wolbachia tại 8 thôn trung tâm của xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) gồm các thôn Lương Sơn 1, 2, 3; Văn Đăng 1, 2, 3 và Võ Tánh 1, 2.

Thời gian thả muỗi dự kiến bắt đầu từ tháng 3.2018 và kéo dài trong 12-18 tuần. Dự án đã lập bản đồ phân chia trên 200 ô thả muỗi trong khu vực, mỗi ô có kích thước 50mx50m (diện tích 2.500m2). Mỗi tuần dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô như vậy, tương ứng với mức thả trung bình là 1 con muỗi/25m2/tuần.

Cán bộ của dự án nghiên cứu, phân loại muỗi thu thập được tại xã Vĩnh Lương. Ảnh: Châu Tường

Việc thả muỗi Wolbachia chỉ được tiến hành sau khi có được sự đồng thuận cao của cộng đồng (từ 80% trở lên).

Muỗi mang Wolbachia được nuôi trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Châu Tường

UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị dự án khảo sát thêm các địa bàn ngoài trung tâm thành phố, tương đối biệt lập và đáp ứng các yêu cầu về mặt khoa học để đề xuất thả muỗi. Sau khảo sát, tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý với phương án sẽ thả muỗi ở xã Vĩnh Lương, đánh giá kết quả đạt được và tiếp theo mới triển khai ở các phường nội thành.

Muỗi mang Wolbachia sau khi nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ được thả vào tự nhiên. Ảnh: Châu Tường

Trước đó, dự án đã tiến hành thả muỗi Wolbachia trên đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) vào năm 2013 và 2014. Từ khi kết thúc thả muỗi đến nay, số ca mắc SXH trên đảo giảm đi đáng kể so với những năm trước và không có ổ dịch SXH tập trung nào xảy ra trên đảo trong 4 năm qua. 

Các bể nuôi lăng quăng của dự án. Ảnh: Châu Tường

Được biết, muỗi vằn mang Wolbachia mà dự án sử dụng để thả là muỗi có nguồn gốc địa phương, có vi khuẩn Wolbachia nhờ quá trình lai nhiều thế hệ muỗi đực địa phương với một số muỗi cái mang Wolbachia ban đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn