MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên, Nha Trang

Thả muỗi sinh học chống sốt xuất huyết

L.Hà LDO | 17/09/2017 11:42
Đối phó với bệnh sốt xuất huyết (SXH), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cần mở rộng việc thả muỗi chứa tác nhân sinh học Wolbachia tại đất liền để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của muỗi vằn truyền bệnh SXH.

Thời điểm này, số ca mắc SXH ở Hà Nội đã giảm 18%, nhưng vẫn còn 20% số gia đình vẫn có bọ gậy. Do vậy, các chuyên gia đánh giá dịch bệnh SXH ở Hà Nội giảm, nhưng chưa bền vững. Bộ Y tế đã yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu nhân rộng mô hình tại các địa phương sau thành công của việc thí điểm thả muỗi mang tác nhân Wolbachia tại đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang).

Vào tháng 8.2016, kết quả nghiên cứu thí điểm ứng dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên đã được Bộ Y tế nghiệm thu về các mặt tính an toàn, khả năng ức chế virus Dengue của muỗi Wolbachia và sự ủng hộ của cộng đồng. Hiện nay "Dự án Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam" đang xin phép các cấp có thẩm quyền để triển khai bước tiếp theo là thí điểm thả muỗi Wolbachia trên một khu vực thực địa hẹp ở thành phố Nha Trang đất liền, dự kiến từ cuối năm 2017. 

Bộ Y tế cũng yêu cầu, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu việc sử dụng muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia trong phòng chống SXH  nếu thành công dự kiến sẽ mang lại bước tiến mới cho công cuộc phòng chống SXH. Điều quan trọng nghiên cứu muỗi thả ở các khu vực khác có phù hợp không. Nếu tiếp tục thành công, dự kiến năm 2018 sẽ triển khai thả muỗi vằn phòng bệnh SXH trên toàn thành phố.

Cuối tháng 8.2017, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện một số Viện nghiên cứu đã có buổi làm việc cùng Giáo sư Scott O’Neil (Đại học Monash, Úc), Giám đốc Chương trình Loại trừ SXH toàn cầu  để bàn kế hoạch triển khai mở rộng thí điểm ứng dụng muỗi Wolbachia để phòng SXH ở một số địa phương khu vực phía Nam của Việt Nam trong những năm tới. 

Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên, có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn,… và cả một số loài muỗi thường đốt người (nhưng muỗi vằn truyền bệnh SXH thì lại không có vi khuẩn này). Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc cấy vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn và chứng minh được rằng trong cơ thể muỗi chúng có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue (gây bệnh SXH), từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền vi rút gây bệnh sang người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn