MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ mi cứng đờ, dày cộp thiếu tự nhiên đã khiến khách hàng thất vọng sau khi nối mi. Ảnh trên trang cá nhân một khách hàng

Thảm hoạ từ nối mi

L.Hà LDO | 28/08/2017 08:00
Tân trang nhan sắc cho dịp nghỉ lễ dài ngày, chị Phương ở quận Cầu Giấy tìm đến một spa gần nhà làm móng và nối mi. Chưa kết thúc dịp nghỉ lễ, mí mắt chị Phương có cảm giác khó chịu, bờ mi ngứa rồi đỏ ửng lên cả mắt… Quá khó chịu, chị Phương phải dùng nhíp nhổ hết mi giả ra và đến bác sĩ. 

Thảm hoạ

Chị Phương kể lại, thấy bạn bè nối mi rất tự nhiên, đẹp nên cũng thử để cải thiện hàng mi trên quá lưa thưa của mình. Quá trình nối mi kéo dài chừng 45 phút. Tại cửa hàng có nhiều loại mi cho khách chọn, từ dày đến tự nhiên. Lần đầu nối mi nên chị Phương đã chọn mi tự nhiên. Nhân viên nối mi đã dùng một loại keo dán chuyên dụng để gắn mi giả vào chân (gốc) sợi lông mi thật. Thời điểm nối, mắt có hơi cay cay và có mùi chất dính mi tỏa ra. 

Cô gái thất vọng vì bộ mi sau khi nối

“Quả là đẹp thật nhưng tối về nhà mỗi lần nhắm mắt tôi cảm nhận mi cứng, khó chịu. Việc rửa mặt cũng phải tránh chỗ mi giả vì sợ rụng. Sang ngày hôm sau, bờ mi ngứa rồi đỏ ửng lên cả mắt, tôi phải dùng nhíp nhổ hết mi giả ra và đến bác sĩ. Sau khi tháo mi nối, trên lông mi tôi vẫn còn bết keo dính. Bác sĩ chẩn đoán bị viêm bờ mi. Đẹp chưa thấy đâu, đã thấy hoạ”, chị Phương  than thở.

Tháo được chỗ mi giả ra thì mi thật cũng bay theo.

Hình ảnh về "thảm họa" nối mi từng được một bạn gái đăng tải trên trang cá nhân. Sau khi nối mi, tác phẩm khách hàng nhận được là bộ mi dày cộp, cứng đơ khác hẳn với kỳ vọng là bộ mi cong nhẹ, tự nhiên. Không chỉ chọn loại mi cứng quèo nhìn rất giả, tác giả của hàng mi này còn bị chấm keo rất dày, rất ẩu tạo ra những cục vón bê bết trên hàng mi thật của khách hàng. Khi được tháo ra, từng đoạn mi giả dày, vón bong thành từng mảng và kéo theo gần hết lông mi thật, chỉ để lại phần chân mi trơ trụi trên mắt. Quá thất vọng, bạn gái phải tìm đến một cơ sở làm đẹp cầu cứu. 

Nguy cơ rước bệnh

Tại BV Mắt Trung ương, ThS Hoàng Cương- Phó trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo - cho biết: i trường hợp bệnh nhân Phương bị viêm bờ mi. Số bệnh nhân gặp nguy hiểm do nối mi, phải đến bệnh viện giải quyết hậu quả hiện chưa nhiều nhưng cũng cần cảnh báo sớm. Rất may là họ đến kịp thời nên không để lại hậu quả nặng nề. Đa phần chỉ mắc viêm bờ mi, sưng mắt do dị ứng hoá chất…”, Ths Cương nói.

Lông mi mắt là chất sừng phải được nuôi dưỡng từ gốc đến ngọn bởi các tế bào vi mạch máu. Nếu không có các mao mạch này, lông mi sẽ khô, chết và rụng dần. Trong quá trình thực hiện, nếu đúng kỹ thuật, mi mắt có thể sống được, không đào thải. Tuy nhiên kỹ thuật này đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, ít cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp tư nhân có thể làm được.

Hiện mi giả đang dùng đa phần không có nguồn gốc rõ ràng, chất dán mi cũng có nhiều loại khác nhau. Các cơ sở muốn giảm giá thành thường dùng chất dán rẻ tiền. Hơn nữa khi mi giả rụng sẽ khó chịu trong mắt. Nếu đưa tay dụi, vô tình đưa keo dán vào trong mắt, tạo điều kiện viêm mắt, sưng mắt.

Đó là chưa kể mi giả rụng còn có thể kéo theo mi thật. Mi thật mất dần đi, mọc lại chậm và mắt mất đi bờ chắn bảo vệ. Bên cạnh đó, keo dán mi còn dễ gây dị ứng, làm bít tắc các tuyến bã, gây viêm, ngứa đỏ mắt...

“Trong trường hợp lỡ làm mi giả mà gặp các sự cố như ngứa, sưng mắt… cần đến ngay bệnh viện để có cách điều trị phù hợp, tránh các biến chứng xấu”, Ths Cương lưu ý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn