MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thêm 2 ca dương tính COVID-19, bác sĩ mách nước 10 việc nên làm

Thảo Anh LDO | 07/03/2020 18:30

Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), giữ tâm thái bình tĩnh, không giận dữ trong thời điểm hiện nay chính là chìa khoá dự phòng dịch bệnh COVID-19 hiệu quả.

Lịch trình đường đi của bệnh nhân dương tính thứ 17 với COVID-19 phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hơn nữa, nữ bệnh nhân đã tiếp xúc bên ngoài trong 4 ngày từ ngày 1-5.3 trước khi nhập viện. Vì thế người dân thủ đô đang rất cần các chỉ dẫn kịp thời để tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Đến 15h00 ngày 7.3, tiếp tục công bố trường hợp thứ 18 dương tính COVID-19 là bệnh nhân N.V.T, 27 tuổi, quê Ninh Bình trở về từ Hàn Quốc ngày 4.3.

Trước thực trạng đó, bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đã mách nước 10 việc nên làm nhất trong thời điểm này.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh.

1. Thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho cả nhà: 

Trong đó rửa tay thường quy là nguyên tắc hàng đầu. Phải rửa với xà phòng sát khuẩn trong vòng ít nhất 20 giây, rửa tay thường xuyên. Ngoài ra luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

Súc họng bằng nước sát khuẩn miệng trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy cũng như trước và sau khi tiếp xúc với cộng đồng cư dân đông đúc để dự phòng nhiễm bệnh.

2. Thực hiện nâng cao sức đề kháng cá nhân: 

Bằng cách thể dục, thể thao hàng ngày, không nằm chây ì. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc, tức là ngủ ít nhất 6 tiếng/ngày. Ngoài ra có thể sử dụng thực phẩm hỗ trợ như men vi sinh học hoặc thực phẩm kháng khuẩn như gừng, tỏi, mật ong, các loại nấm.

3. Giữ tâm thái bình tĩnh:

Khi chúng ta hoang mang, lo lắng hay giận dữ (như việc giận dữ với bệnh nhân N.H.N là bệnh nhân dương tính thứ 17 với COVID-19 nhưng không khai báo), sẽ dẫn đến stress. Khi stress cơ thể không có sức đề kháng chống lại bệnh tật, rất dễ bị tổn thương tinh thần hoặc nhiễm khuẩn.

4. Chọn không gian thoáng đãng để ra ngoài trời:

Tuy khuyến khích không đến nơi đông người nhưng không đồng nghĩa với việc đóng kín cửa trong nhà. Hàng ngày trong một vài thời điểm thích hợp, cả gia đình con cái nên đeo khẩu trang chọn chỗ thoáng mát, vắng người như quanh hồ, công viên có ánh nắng tự nhiên đi dạo để ánh sáng kích hoạt quá trình tổng hợp vitamin C. Mỗi ngày phải có ít nhất 20-30 phút ra ngoài.

5. Vệ sinh các bề mặt:

Đó là lavabo, bàn bếp, mặt bàn, mặt bàn phím máy tính, tay nắm cửa... bằng nước sát khuẩn.

6. Theo dõi thông tin chính thống:

Hiện nay có rất nhiều luồng tin gây hoang mang. Người dân nên theo dõi ở các kênh chính thống như Cổng thông tin Chính phủ, Cổng thông tin Hà Nội, Bộ Y tế... 

7. Dự phòng thuốc đo nhiệt độ, nhiệt kế, nước bù điện giải, nước sát khuẩn, khẩu trang vải có thể tái sử dụng, không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm.

8. Lưu hotline phòng chống dịch COVID - 19 của Bộ Y tế:

Có 2 số là 19009095 hoặc 19003228 về tư vấn và phòng chống dịch để bất kì lúc nào cần thiết có thể hỏi ngay.

9. Gia đình nào có người thân về nước tuân thủ khai báo đầy đủ:

Khi có người thân về nước hay ngay lập tức khai báo y tế, không giấu diếm, cách ly nếu có yêu cầu. Điều đó vừa giúp bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình và cộng đồng. Điều này thuộc phạm trù ý thức của bản thân, không để cộng đồng gánh hậu quả từ mình.

10. Phân biệt cơ bản giữa cúm và COVID-19:

Nhiều người hoang mang khi không phân biệt được cảm lạnh thông thường và viêm phổi cấp COVID-19.

Tạm thời phân biệt cơ bản như sau, COVID-19 có 3 triệu chứng điển hình là ho khan và đau họng đau cổ rất nhiều, thứ hai sốt rất cao, thường sốt trên 39,3 độ, thứ ba là đau tức ngực, khó thở mạnh vì virus tấn công đường hô hấp dưới. 

Trong khi đó, cảm lạnh thông thường không sốt quá cao, thường hắt xì nhiều hơn, đường mũi miệng chảy dịch nhiều. Cảm cúm thông thường đau nhức toàn thân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn