MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thiếu ngủ gây ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch không?

Hương Lê (Theo The Indian Express) LDO | 22/10/2022 06:00
Giấc ngủ và hệ thống sinh học có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chức năng miễn dịch của cơ thể. Khi thiếu ngủ, bạn sẽ dễ bị ốm hoặc nhiễm bệnh hơn.

Nhiều chuyên gia và nghiên cứu khác nhau đã nhiều lần lưu ý rằng thiếu ngủ khiến một người dễ mắc các bệnh như tiểu đường, rối loạn tim, tăng huyết áp và các rối loạn liên quan đến mắt... 

Tuy nhiên, bạn có biết rằng thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng miễn dịch của bạn, khiến bạn dễ bị ốm hơn không? 

Một nghiên cứu được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia cho biết giấc ngủ và hệ thống sinh học có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các chức năng miễn dịch.

Giải thích mối liên hệ giữa giấc ngủ và khả năng miễn dịch này, Tiến sĩ Pritha Nayyar, Chuyên gia Tư vấn, Y học Hô hấp và Giấc ngủ, Bệnh viện Châu Á, Faridabad, cho biết: Cơ thể chúng ta tiết ra các protein quan trọng được gọi là cytokine, một số trong số đó có vai trò thúc đẩy giấc ngủ. 

Khi bạn bị căng thẳng, bị nhiễm trùng hoặc thiếu ngủ sẽ khiến một số cytokine khác tăng số lượng, ngoài việc ảnh hưởng đến việc giải phóng các kháng thể chống nhiễm trùng, còn dẫn đến khả năng miễn dịch thấp.

Tiến sĩ Nayyar cho biết thêm, ngoài việc khiến bạn dễ mắc bệnh hơn, thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của bạn sau một cơn ốm. 

Đồng tình, Tiến sĩ Sudharshan KS, Chuyên gia tư vấn Pulmonologist, Bệnh viện Fortis, Đường Cunningham, Bangalore nói rằng giấc ngủ và khả năng miễn dịch có mối liên hệ trực tiếp với nhau. 

“Khi thiếu ngủ, các chất oxy hóa trong cơ thể chúng ta sẽ tăng lên và khả năng miễn dịch sẽ giảm xuống. Khi chúng ta ngủ đủ, sẽ có ít hoạt động giao cảm trong cơ thể, do đó, tốt cho sức khỏe tim mạch hơn và khả năng miễn dịch của chúng ta cũng được kiểm soát” - Tiến sĩ Sudharshan KS nói. 

Các nghiên cứu trên động vật cũng đã chỉ ra rằng nếu chúng bị đánh thức liên tục trong giấc ngủ, chúng sẽ không thể chống chọi được với bệnh tật.

Điều này là do giấc ngủ có chức năng hỗ trợ miễn dịch, thúc đẩy khả năng bảo vệ của vật chủ, chống lại sự xâm phạm của nhiễm trùng và viêm nhiễm, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho biết. 

Thiếu ngủ còn liên quan đến sự thay đổi các thông số miễn dịch bẩm sinh và thích ứng, dẫn đến tình trạng viêm mãn tính và tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, bao gồm các bệnh về chuyển hóa tim, ung thư, tự miễn dịch và thoái hóa thần kinh.

Mặc dù ngủ nhiều không phải lúc nào cũng tốt hơn, nhưng người lớn cần ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày để đạt hiệu quả tối ưu. Thanh thiếu niên nên ngủ từ 9-10 tiếng và trẻ em đang đi học có thể cần ngủ 10 tiếng hoặc hơn để bảo vệ khả năng miễn dịch của cơ thể. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn