MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm phòng vaccine cho trẻ em. Nguồn ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Thiếu vaccine tiêm chủng, trẻ có nguy cơ đối mặt với nhiều bệnh

Hà Lê LDO | 10/12/2023 20:16

Tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia xảy ra ở tất cả địa phương trong cả nước. Hàng triệu trẻ vẫn chưa được tiêm phòng do thiếu nhiều loại vaccine.

Với nhiều loại vaccine được tiêm miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đến nay, Việt Nam đã phòng ngừa được 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm như lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi, viêm màng não...

Trong số các loại vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vaccine 5 trong 1 sử dụng tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên để phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B đã thiếu từ lâu.

Khi tỉ lệ tiêm chủng giảm, dẫn tới có nhiều người dễ mắc bệnh hơn và ảnh hưởng của miễn dịch cộng đồng có thể bị phá vỡ hoặc suy giảm, dẫn đến gia tăng khả lây lan của bệnh và tạo ra các đợt bùng phát dịch.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM cho rằng: Trong 2 năm đầu đời, hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ còn non yếu. Do đó, việc tiêm ngừa là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ trước một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề.

Vaccine 5 trong 1 thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng có một loại khá quan trọng là viêm gan siêu vi B. Nếu trẻ tiêm không đủ loại này thì sẽ không giảm được tỉ lệ viêm gan siêu vi B trong cộng đồng. Nếu bỏ tiêm thời gian dài, không tiêm đủ 3-4 mũi thì rất nguy hiểm, nguy cơ bệnh sẽ quay lại. Còn vaccine ngừa bạch hầu - uốn ván - ho gà (DPT), nếu không tạo được miễn dịch nền trước 6 tháng cho trẻ nhỏ thì dễ bị lây bệnh.

Trước tình trạng thiếu nhiều loại vaccine tiêm chủng mở rộng khiến trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ, nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo, thời gian tới, nguy cơ có thể xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm trên phạm vi lớn. Không chỉ vậy, một số dịch bệnh mà chúng ta đã khống chế được như bại liệt, ho gà, sởi, rubella, bạch hầu… có thể bùng phát trở lại, khiến thành quả của Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà ngành y tế cùng các địa phương đã nỗ lực đạt được hơn 40 năm qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp nguy cơ bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn