MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lạm dụng thuốc kháng sinh khiến "nhờn thuốc" trong quá trình điều trị.

Thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh khiến bệnh nặng thêm

M.An LDO | 14/01/2020 12:15

Nhiều người đang quá lạm dụng và sử dụng thuốc kháng sinh một cách không hợp lý, khiến cho bệnh không những trở nên lâu khỏi mà còn có thể đưa đến nhiều tác dụng phụ khác ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, kháng thuốc kháng sinh đang là một trong những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng và trở thành mối lo ngại với từng gia đình.

Cụ thể, tình trạng kháng thuốc kháng sinh sẽ diễn ra khi cơ thể sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, khiến vi khuẩn thay đổi và không còn có tác dụng với việc dùng thuốc kháng sinh để chữa trị lây nhiễm do chúng gây ra.

Cũng theo WHO, việc hiểu rõ và sử dụng thuốc kháng sinh như thế nào là đúng có vai trò quan trọng để làm giảm tình trạng kháng thuốc, tuy nhiên, lại chưa mấy ai làm được điều này

Rất nhiều trường hợp khi thấy ho, sốt, chảy nước mũi do cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng do virus, thậm chí là ho do dị ứng thời tiết hoặc khói bụi... là tự dùng thuốc kháng sinh mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Trong khi đó, các bác sĩ đã chứng minh rằng, thuốc kháng sinh chỉ có tiêu diệt được vi khuẩn chứ không hiệu quả trên virút. Do đó không thể dùng kháng sinh để trị cúm hoặc các bệnh cảm, ho thông thường khác do virus gây nên.
Thuốc kháng sinh đang được sử dụng dễ dàng.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng bệnh thì không ít người bệnh có thói quen tự ý mua thuốc kháng sinh về dùng, sau đó tăng, giảm liều lượng, thời gian điều trị một cách vô khoa học.

Những người này thường mua kháng sinh về dùng 2-3 ngày thấy bệnh thuyên giảm, hết sốt, hết triệu chứng của bệnh thì ngừng thuốc, không uống tiếp nữa và cho rằng nếu uống tiếp sẽ hại người, sẽ bị tác dụng phụ...

Một số nhỏ những người khác thậm chí còn thay đổi các loại thuốc kháng sinh một cách thường xuyên. Trong khi đó, một đợt điều trị bằng thuốc kháng sinh phải kéo dài từ 5-7 ngày, thay đổi thuốc thường xuyên trong thời gian ngắn sẽ khiến cho cơ thể kháng thuốc.

Kháng sinh mạnh thường là những loại kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhiễm trùng nặng, nguy hiểm...và trên một số loại vi khuẩn đã nhờn với kháng sinh thế hệ cũ.

Tuy nhiên, nhiều người mang tâm lý mong bệnh chóng khỏi nên có thói quen thường xuyên dùng kháng sinh mạnh.

Do vậy, với các trường hợp chỉ sốt, ho thông thường mà người bệnh đã dùng tới các kháng sinh mạnh sẽ gây lãng phí và góp phần làm tăng khả năng vi khuẩn kháng thuốc.

Có thể do tính thích "ăn sẵn" nên nhiều người thường hay dùng chung thuốc kháng sinh với người khác. Tuy nhiên, phải nhớ rằng, người khác có thể có những nhiễm khuẩn khác nhau và không thể dùng cùng loại kháng sinh như mình, điều này có thể khiến cơ thể kháng thuốc.

Mỗi kháng sinh chỉ có thể kháng lại một vài loại vi khuẩn. Nếu dùng đúng loại đặc hiệu, chỉ vài ngày bệnh sẽ thuyên giảm, thời gian dài nhất cho một đợt điều trị kháng sinh là 7 – 10 ngày.

Tuy nhiên, nếu dùng không đúng kháng sinh đặc hiệu trong một thời gian dài, bệnh chẳng những sẽ không thuyên giảm mà vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể sẽ quen dần và sinh ra các chủng kháng thuốc.

Ngoài vấn đề kéo dài thời gian dùng thuốc thì nhiều người lại dùng kháng sinh không đủ liều và không đủ thời gian điều trị.

Việc làm dụng kháng sinh một cách vô khoa học cũng là "căn bệnh" nhiều người mắc phải. Một trong những mặt trái của thuốc kháng sinh là sẽ gây hại với các vi khuẩn có lợi nếu người dùng quá lạm dụng vào nó.

Vì vậy, hãy dùng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu lạm dụng vào thuốc kháng sinh thì nó sẽ tiêu diệt cả khuẩn có lợi có trong đường ruột làm cho sức đề kháng của cơ thể sẽ yếu đi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn