MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăm sóc người bệnh sau khi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Hà Lê

Thời tiết lạnh kéo dài, nhiều bệnh gia tăng

Lệ Hà LDO | 30/01/2024 08:51

Các tỉnh miền Bắc đang trải qua những ngày nhiệt độ giảm sâu, kéo dài. Thời tiết lạnh đã khiến nhiều bệnh xuất hiện, đặc biệt các bệnh liên quan đến tim mạch.

Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ các bệnh

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân T.Q.L, 64 tuổi ở huyện Gia Lâm, Hà Nội trong tình trạng khó thở, mệt, không thể đi lại... Đến bệnh viện, ông L được chẩn đoán huyết áp tăng 200/120mmHg và phải nhập viện điều trị khẩn cấp.

TS.BS Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết, những ngày gần đây khoa tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch từ trước.

Về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch. Đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình. Qua thống kê thì chỉ có khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị, trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc.

Bác sĩ Đoàn Văn Phúc - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Trưởng khoa Thần kinh - cho biết: Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 3-5 bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7, trong đó có cả người già và người trẻ. Có đến 70-80% nguyên nhân gây ra tình trạng này là do chủ quan, không giữ ấm cơ thể khi giá lạnh.
Chưa kể, thời tiết lạnh, nhiều người sử dụng than đốt để sưởi ấm dẫn đến tình trạng ngộ độc phải đi cấp cứu.

Chiều 28.1, bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch UBND xã An Hà, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cho biết, trên địa bàn thôn Mia, xã An Hà vừa xảy ra vụ việc 3 người trong một gia đình tử vong.

Cụ thể sáng 28.1, anh Nguyễn Văn H (trú xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) là người làm thuê cho gia đình anh Đ.V. N ở xã An Hà, không thấy gia đình anh N dậy nên gọi cửa.

Không thấy trả lời nên anh H đã gọi bà T là mẹ đẻ anh N. Sau đó, bà T mở cửa nhà, thì phát hiện anh Đ.V.N (SN 1984) và vợ là chị P.T.V (SN 1983) cùng con trai Đ.V.Đ (SN 2019) chết trên giường.

Trong phòng ngủ rộng hơn 10m2 kín cửa, các nạn nhân nằm trên giường, phía dưới nền có một chậu than hoa đã cháy hết. Bước đầu xác định có thể các nạn nhân đốt than để sưởi chống rét sau đó bị ngộ độc khí than.

Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhi 12 tuổi, trú tại thành phố Lạng Sơn, vào viện trong tình trạng lơ mơ, môi tím tái. Ở nhà, mẹ của bệnh nhân đặt than củi trong buồng tắm kín cho trẻ đi tắm. Hiện nay, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe hồi phục tốt.

Người khoẻ cũng không chủ quan với thời tiết lạnh

TS.BS Ngô Tuấn Anh cho biết thêm, với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90 mmHg.

Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi tắm rửa... Nếu huyết áp tối đa quá 180mmHg là điều rất đáng lo ngại.

Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Đặc biệt những người bị bệnh tiểu đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.

Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu ôxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp.

"Những ngày này, mọi người cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành.

Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh" - TS.BS Ngô Tuấn Anh khuyên.

Liên quan đến ngộ độc khí do đốt than vào mùa lạnh, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cảnh báo: Khi đốt các nhiên liệu chứa CO như: Củi, than củi, than tổ ong, xăng dầu… ở trong không gian mở thoáng thì nhiên liệu cháy hết và cơ bản tạo ra khí CO2 ít ảnh hưởng sức khỏe, nhưng nếu đốt trong khu vực kín cửa, nhiên liệu cháy dở dang sinh ra khí CO lại là khí rất độc. Khí CO không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn