MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giữ ấm cho trẻ và đảm bảo dinh dưỡng cân bằng rất quan trọng để chăm sóc trẻ ngày lạnh, tránh bị ốm. Đồ họa: Hương Giang

Thời tiết thay đổi đột ngột, nhiều bệnh lý cần chú ý

Lệ Hà LDO | 17/12/2023 20:00

Bệnh dịch đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A/H5N1, COVID-19 tăng tại nhiều quốc gia, Bộ Y tế đã và đang tập trung các giải pháp ngăn dịch bệnh bùng phát trong mùa đông – xuân này, chủ động ứng phó nếu COVID-19 quay trở lại, đặc biệt ở giai đoạn thời tiết thay đổi.

Bệnh mùa lạnh

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa can thiệp tim mạch thành công cho bệnh nhân N.M.H ở Yên Sơn, Tuyên Quang. Bệnh nhân liên tục ngừng tim, các bác sĩ vừa can thiệp và ấn tim, bóp bóng...

Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, ông H đau ngực, nôn ói, khó thở được gia đình đưa đi cấp cứu tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang.

Được biết, ông H có tiền sử tăng huyết áp nhưng không uống thuốc thường xuyên. Khi vào viện, ông H được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3 kèm theo rối loạn huyết động và rối loạn nhịp tim.

Phạm Ngọc Tân - Khoa Nội - Tim mạch, trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân đã trong tình trạng nguy hiểm, cần phải can thiệp tim mạch ngay lập tức nếu chậm trễ, bệnh nhân sẽ tử vong.

Bác sĩ Tân cũng chia sẻ thêm, nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp là do mảng xơ vữa trong lòng mạch bị nứt hoặc vỡ, các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu đến bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng mạch, ngưng cấp máu nuôi cơ tim phía xa, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, suy tim, đột tử.

Bác sĩ Tân khuyến cáo, bệnh nhồi máu cơ tim ngày càng tăng. Đặc biệt vào mùa đông diễn biến thời tiết, thay đổi nhiệt độ nhanh biến cố tim mạch, đột quỵ cũng tăng lên. Khi có dấu hiệu đau ngực, vã mồ hôi, đau ngực dữ dội bệnh nhân cần vào viện nhanh chóng. Nếu chậm trễ, bệnh nhân đau nhiều quá có thể sốc tim, trụy mạch và tử vong.

Các bệnh dịch mùa đông xuân cần chú ý phòng chống

Thời tiết chuyển lạnh đột ngột không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ tim mà còn khiến các bệnh lý tim mạch khác như huyết áp, suy tim, tim bẩm sinh… trở nặng nếu không được chăm sóc, phòng ngừa đúng cách.

Đột quỵ tim có thể xảy ra với bất kỳ độ tuổi và thời tiết nào trong năm. Tuy nhiên, vào mùa lạnh nguy cơ đột quỵ tim cao hơn. Các nghiên cứu cho thấy, khi nhiệt độ trung bình giảm 10 độ C, nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người lớn tuổi tăng thêm khoảng 7%. Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm người khác.

Bên cạnh đó, trời lạnh còn khiến người lớn tuổi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất là cúm. Đây là bệnh lý do virus gây ra, có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nguy hiểm, trong đó có suy tim, nhồi máu cơ tim.

TS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo, thời tiết mùa đông xuân hiện nay thường gia tăng các bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp…

Theo ông Đức, hiện nay đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà..., tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

“Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền"- TS Hoàng Minh Đức nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn