MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thông tin mới nhất về bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng

Kim Đồng LDO | 28/03/2019 11:37
Sáng 28.3, bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM cho biết, bệnh sốt phát ban (SPB) nghi sởi đang có khuynh hướng giảm dần sau chiến dịch tiêm bù vắcxin phòng bệnh sởi.

Đánh giá tình hình một số dịch bệnh tại TPHCM trong 12 tuần đầu năm 2019 cho thấy, trong 12 tuần đầu của năm 2019 ghi nhận 3.316 ca SPB nghi sởi (gồm 1.564 ca nội trú, 1.752 ca ngoại trú). Trong đó, số ca chưa tiêm chủng là 1.788 ca (54%), số ca không rõ tiền sử tiêm chủng là 1.522 ca (45,8%), số ca có tiêm một mũi vắcxin sởi là 6 ca (0,2%).

Theo đó, bệnh xuất hiện từ tháng 8, tăng dần hàng tuần liên tục đến cuối năm 2018 và kéo dài sang đầu năm 2019. Số ca bệnh cao nhất ở 4 tuần năm 2019, sau đó ca bệnh có xu hướng giảm dần từ tuần 6. Hiện nay số ca mắc bệnh sởi hàng tuần đã dưới 200 ca/tuần (cao nhất là 350 ca vào tuần thứ 4).

Cũng theo BS Dũng, chiến dịch tiêm miễn phí vắcxin sởi-Rubella (MR) cho trẻ 1 đến 5 tuổi thực hiện từ tháng 12.2018 đến hết tháng 1.2019 tại trường học, cho trẻ đi học và trạm y tế cho trẻ không đi học.  Qua chiến dịch, đã có 253.525 trẻ được bao phủ bằng ít nhất 1 mũi vắcxin phòng bệnh sởi. Đạt tỉ lệ là 85,7%. 

“Dự báo SPB nghi sởi sẽ tiếp tục giảm trong thời gian sắp tới nhờ tác động của hoạt động tiêm vét và bổ sung vắc xin sởi. Tuy nhiên, để khống chế hoàn toàn dịch sởi cần tiếp tục các hoạt động tiêm vét vắcxin sởi. Dự kiến dịch bệnh SPB nghi sởi có thể kéo dài đến tháng 6.2019” - BS Dũng cho biết thêm.

Về những yếu tố ảnh hưởng đến dịch sởi tại TPHCM, BS Dũng cho rằng, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ hàng năm của thành phố đạt 95%. Nhưng mỗi năm vẫn còn đó khoảng 5% số trẻ (5.000 trẻ) chưa được tiêm chủng mũi sởi 1.

Sau 5 năm, số trẻ này được tích lũy lên đáng kể nên trong số trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng có đến khoảng gần 20.000. Đó là lý do quan trọng làm cho bệnh sởi lây lan mạnh trong cộng đồng sau 4 đến 5 năm tại TPHCM cũng như cả nước.

Ngoài ra, nhiều trẻ là con em của người dân lao động nhập cư, chưa được tiêm chủng theo lịch tiêm chủng bắt buộc khi ở địa phương khác hoặc khi đến sinh sống tại thành phố, nhưng không được quản lý để mời tiêm chủng; một số đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng vẫn bị bỏ sót, nhất là đối tượng là con của công nhân, người lao động nhập cư hoặc ở nơi có dân cư di biến động nhiều.

Về tình hình bệnh SXH đang giảm nhanh trong mùa nắng nóng. Theo đó, số ca bệnh cộng dồn là 17.832 ca, tăng hơn 263% so với cùng kỳ 2018 (4.918 ca). Trong đó số ca nội trú là 10.155 ca, tăng 243% so với cùng kỳ của năm 2018 (2.960 ca); số ca ngoại trú là 7.677 ca, tăng 292% so với cùng kỳ năm 2018 (1.958 ca).

Tương tự, bệnh TCM diễn tiến như hàng năm, với tổng số ca TCM cộng dồn đến tuần thứ 12 năm 2019 là 2.168 ca. Đa số bệnh nhẹ, điều trị ngoại trú với 1.718 ca. Số ca phải nhập viện điều trị nội trú là 450 ca, tăng 22% so với cùng kỳ 2018 (369 ca). Không có ca tử vong do tay chân miệng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn