MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thủ phạm khiến hàng chục ngàn người khổ sở vì sốt xuất huyết

LH LDO | 21/08/2017 10:21
Muỗi vằn (muỗi Aedes) chính là thủ phạm gây ra bệnh sốt xuất huyết (SXH) khiến hàng chục ngàn người mắc bệnh. Lâu nay, nhiều người vẫn nói muỗi là thủ phạm gây bệnh SXH nhưng chưa biết rõ về con vật này.

Lộ mặt muỗi vằn gây SXH

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên. Bệnh có thể tiến triển nặng gây tử vong. SXH được ghi nhận ở cả người lớn và trẻ em, cả thành thị và nông thôn, lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes mà ta thường gọi là muỗi vằn. 

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, virus Dengue có 4 tuýp là DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4. Một người có thể mắc SXH Dengue nhiều lần với các tuýp virus khác nhau, những lần mắc sau bệnh thường nặng hơn do ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo.

Tại Việt Nam, cả 4 tuýp virus lưu hành. Khi có thay đổi sự lưu hành của tuýp virus, dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu cộng đồng chưa có miễn dịch với tuýp virus này.

“Muỗi vằn truyền bệnh SXH Dengue gồm có Aedes aegypti và Aedes albopictus trong đó Ae. aegypti là véc-tơ chủ yếu. Chu kỳ phát triển của muỗi gồm 4 giai đoạn: Trứng, bọ gậy (loăng quăng), quăng và muỗi trưởng thành. Muỗi Aedes aegypti đẻ trứng ở tất cả dụng cụ chứa nước. Bọ gậy của muỗi thường sống ở nước sạch không bị ô nhiễm.

Hiện có khoảng 30 loại dụng cụ chứa nước được phát hiện là nơi sinh sản của muỗi hay gặp là bể nước mưa, chậu hoa có nước, vại sành, chai lọ, vỏ hộp, vỏ gáo dừa, lon bia, lốp xe, lọ hoa đặt trên bàn thờ lâu ngày không thay nước…, thậm chí có cả trong khay nước dùng để hứng nước đọng của tủ lạnh”, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích rõ hơn.

Bình hoa cây phát lộc là nơi trú ngụ của 1 ổ bọ gậy. Ảnh: Mai Quế
Nói rõ hơn về muỗi vằn, TS Vũ Sinh Nam, chuyên gia Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và là người nhiều năm nghiên cứu về SXH cho biết, muỗi Ae. aegypti sống trong nhà gần người, thường trú đậu nơi có ánh sáng yếu, những nơi đậu nghỉ ưa thích là mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm cửa trong phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, ít khi đậu trên tường. Muỗi Ae. aegypti trưởng thành có khả năng bay xung quanh khoảng 50 mét, nhưng cũng có thể bay xa tối đa 200 - 300 mét. 

Muỗi cái Ae.aegypti trưởng thành tiến hành hút máu lần đầu vào khoảng 48 giờ sau khi nở, trong một chu kỳ sinh thực, muỗi có thể hút máu nhiều lần. Thời gian từ khi hút máu tới khi đẻ trứng thay đổi từ 2 - 5 ngày.

Muỗi thường hoạt động hút máu vào ban ngày sáng và chiều tối. Thời gian hoạt động mạnh nhất vào khoảng 1 giờ trước khi mặt trời lặn. Tuy nhiên, chúng có thể hoạt động hút máu suốt ngày, thậm chí cả ban đêm (nhưng ở mức độ rất thấp).

Sự nguy hiểm của muỗi vằn

Các chuyên gia cho biết, sau khi hút máu người có chứa virus Dengue, thời kỳ ủ bệnh ở trong muỗi khoảng 10-12 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để virus nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi.

Sau thời kỳ này, muỗi trở thành nhiễm virus và có thể truyền virus Dengue cho những người khác khi muỗi đốt. Mặt khác, muỗi vằn còn có thể truyền virus trực tiếp từ người này sang người khác bằng sự thay đổi vật chủ khi bữa ăn máu bị gián đoạn. Chính sự hút máu nhiều lần của muỗi có thể giải thích tính bùng nổ tự nhiên của các vụ dịch với việc tìm thấy ít các số lượng muỗi cái trong ổ dịch. 

PGS.TS Phu cho biết thêm, khả năng truyền virus sang người lành được thực hiện khi muỗi hút máu bệnh nhân trong thời kỳ nhiễm virus huyết. Nhiễm virus huyết có thể có 6 -18 giờ trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Như vậy, bệnh nhân là nguồn lây ngay trước thời kỳ sốt và cho đến khi hết sốt, trung bình là 6 -7 ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn