MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thực hư về chất bảo quản trong mì ăn liền

Minh Vân LDO | 30/10/2021 10:56

Với thời hạn sử dụng từ 5-6 tháng khiến không ít người cho rằng mì ăn liền phải có nhiều chất bảo quản thì mới có thể giữ lâu được như vậy. Vậy suy nghĩ này có chính xác hay không?

Vì sao mì ăn liền lại bảo quản được từ 5-6 tháng?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Từ xa xưa khi chưa có chất bảo quản thì ông cha ta đã sử dụng những cách truyền thống để bảo quản thực phẩm như phơi sấy khô, chiên rán, hấp chín-sấy khô, ướp muối…

Theo đó, phơi khô hoặc sấy khô là cách làm cho nước bay hơi để độ ẩm của thực phẩm còn rất thấp, khiến vi sinh vật không có nước để sinh trưởng và phát triển. Trong thường hợp chiên rán, hấp chín-sấy khô, thực phẩm vừa được diệt khuẩn ở nhiệt độ cao, vừa được làm khô thì bảo quản càng được lâu dài.

Đối với mì ăn liền, PGS.TS Thịnh cho biết, người ta áp dụng 1 trong 2 cách: chiên hoặc sấy khô để làm giảm độ ẩm trong vắt mì. Chiên vừa làm chín sợi mì bằng nhiệt độ sôi của dầu (diệt khuẩn), làm cho vắt mì có mùi vị thơm ngon vừa làm thoát hơi nước (làm khô) với độ ẩm chỉ còn khoảng dưới 3% tạo ra sản phẩm mì chiên, còn hấp-sấy vừa làm chín sợi mì bằng hơi nước (diệt khuẩn) vừa làm thoát hơi nước (làm khô) bằng không khí nóng khiến sợi mì có độ ẩm khoảng dưới 10%, tạo ra sản phẩm mì không chiên.

Mì ăn liền được chiên trong hệ thống tự động khép kín.

Cả 2 loại sản phẩm mì chiên và mì không chiên đều được đưa đóng gói cẩn thận, đảm bảo vi khuẩn không thể xâm nhập, từ đó giúp bảo quản từ 5- 6 tháng.

PGS.TS Thịnh cũng cho biết thêm, hiện nay trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, về nguyên tắc, tất cả thực phẩm đều có thể dùng chất bảo quản nếu thấy cần thiết nhưng bắt buộc phải tuân theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình chế biến, các điều kiện kỹ thuật trên dây chuyền sản xuất đã đủ đảm bảo an toàn cho sản phẩm thì việc sử dụng chất bảo quản là hoàn toàn không cần thiết, không những thế còn làm tăng giá thành sản phẩm vì phải thêm chi phí mua chất bảo quản. Vì thế không có lí do gì nhà sản xuất lại sử dụng thêm chất bảo quản trong quá trình sản xuất mì ăn liền.

Trụng mì là không cần thiết, quan trọng là thêm sắc màu cho tô mì

Do nghĩ rằng mì ăn liền chứa nhiều chất bảo quản nên một số người có thói quen trụng mì trước khi ăn nhằm loại bỏ những chất không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, việc làm này là không cần thiết vì mì ăn liền không chứa chất bảo quản. Bên cạnh đó, việc chần mì còn vô tình làm mất đi một phần dinh dưỡng cũng như hương vị thơm ngon, hấp dẫn của sản phẩm này.

Thay vì lo lắng mì ăn liền chứa chất bảo quản, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên mọi người nên chú ý tới việc kiểm tra chất lượng gói mì trước khi lựa chọn như xem xuất xứ, hạn sử dụng, an toàn đóng gói và đặc biệt là sản phẩm phải được cấp phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Sau khi chọn được loại mì an toàn và phù hợp với sở thích thì cần sử dụng thực phẩm này một cách hợp lý kết hợp với những thực phẩm khác trong chế độ cân bằng dinh dưỡng và khoa học.

Thêm sắc màu cho tô mì của bạn để món ăn thêm đa dạng, cân bằng dinh dưỡng. Nguồn ảnh: Shutterstock

Dưới góc độ dinh dưỡng, các chuyên gia khuyên mọi người nên biến tấu, thêm sắc màu cho tô mì với thịt, tôm trứng và các loại rau xanh như rau cải, rau muống, giá đỗ... Như vậy tô mì của chúng ta không chỉ thêm dinh dưỡng, cân bằng mà còn thơm ngon hơn.

Trong trường hợp quá bận rộn thì bạn có thể thưởng thức mì ăn liền đơn thuần nhưng vào bữa sau thì nên bổ sung các loại thực phẩm khác để đảm bảo dinh dưỡng hợp lí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn