MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực phẩm nhuộm màu bắt mắt nhưng cần cảnh giác

Thực phẩm nhuộm màu bắt mắt nhưng nguy hiểm

Thu Linh LDO | 17/12/2018 18:56

Những món ăn bắt mắt được làm từ những thực phẩm không rõ nguồn gốc đang là nỗi lo của người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán này. Việc lạm dụng phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Vì lợi nhuận, không ít người đã sử dụng hóa chất để tạo ra thực phẩm Tết có mẫu mã bắt mắt nhưng độc hại và đầu độc người tiêu dùng...

Hiện việc buôn bán các loại hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ. Trên thị trường, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm. Vào dịp Tết Nguyên đán, các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò chả… với muôn vàn chủng loại, màu sắc “bắt mắt” tràn ngập thị trường.

Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm. Việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt, theo đó, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép.

Theo khảo sát trên thị trường, bánh, kẹo, nước giải khát, chế biến gia súc, gia cầm... là những thực phẩm hay sử dụng và lạm dụng phẩm màu nhất. Bên cạnh việc sử dụng các phẩm màu tự nhiên, để tạo thêm tính hấp dẫn cho sản phẩm, các nhà sản xuất còn dùng các phẩm màu tổng hợp, thậm chí còn sử dụng cả loại phẩm màu dùng trong công nghiệp để nhuộm màu cho thực phẩm hoặc che dấu cho các sản phẩm bị hư hỏng sẽ rất nguy hiểm (vì những loại phẩm màu công nghiệp này thường chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng).

Trên thực tế nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra do sử dụng các chất màu này. Đơn cử như Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì chúng gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư. Thế nhưng, cơ quan chức năng từng phát hiện loại phẩm màu này được sử dụng trong chế biến hạt dưa, tương ớt, sa tế...

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) phẩm màu công nghiệp vẫn được dùng khá phổ biến trong một số thực phẩm dành cho trẻ em như bánh kẹo, thạch... Đa số phẩm màu độc hại đi vào cơ thể con người và gây ra hiện tượng ngộ độc. Việc phân biệt phẩm màu công nghiệp và tự nhiên bằng mắt thường là hoàn toàn không thể.

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, chả, mứt bánh kẹo, rượu, nước giải khát… của người dân tăng đột biến, thị trường thực phẩm tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi lưu thông đánh lừa người tiêu dùng.

Cũng theo TS Nguyễn Thanh Phong, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, và có mùi khó chịu.

Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe. Và quan trọng là người dân cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn