MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh chân người bệnh tắc động mạch chi dưới. Ảnh: BVCC

Thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân chính gây bệnh động mạch chi dưới

Hương Giang LDO | 29/09/2023 23:00

Bệnh động mạch chi dưới còn được gọi là bệnh động mạch ngoại biên, là tình trạng động mạch chi dưới bị hạn chế hoặc tắc nghẽn do các mảng xơ vữa bám vào thành động mạch.

Bệnh động mạch chi dưới còn được gọi là bệnh động mạch ngoại biên, là tình trạng động mạch chi dưới bị hạn chế hoặc tắc nghẽn do các mảng xơ vữa bám vào thành động mạch.

Các mảng xơ vữa này được hình thành do sự tích tụ của cholesterol, chất béo, canxi và những chất khác trong máu, tạo thành các mảng bám làm thu hẹp lòng động mạch một cách từ từ và tăng dần, gây giảm lưu lượng máu đến mô ở chân và các bộ phận khác.

Nguyên nhân gây bệnh động mạch chi dưới

Nguyên nhân dẫn đến bệnh động mạch chi dưới là do động mạch bị xơ vữa. Các yếu tố nguy cơ chính là do hút thuốc lá, thuốc lào, bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và tăng homocystein máu làm cho bệnh động mạch chi dưới và các bệnh lý động mạch khác do xơ vữa phát triển.

Các bác sĩ Khoa Can thiệp tim mạch – Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chỉ ra một số triệu chứng bệnh động mạch chi dưới gồm:

- Đau chân khi vận động đi lại và đỡ khi nghỉ ngơi (còn gọi là dấu hiệu đau cách hồi). Ở giai đoạn sớm, tình trạng đau xuất hiện khi đi trên quãng đường dài và đỡ khi nghỉ ngơi. Bệnh tiến triển tăng dần, tình trạng đau xuất hiện trên quãng đường đi được càng ngắn lại. Ở giai đoạn muộn, triệu chứng đau có thể xuất hiện liên tục cả khi nghỉ ngơi.

- Mạch yếu hoặc không bắt được mạch.

- Da khô, lạnh.

- Xuất hiện tím hoặc hoại tử đen ở các ngón chân hoặc vết loét khó lành trên chân, bàn chân, ngón chân.

Bệnh động mạch chi dưới là một bệnh khá phổ biến và cũng rất nguy hiểm nhưng rất dễ bị bỏ qua ở giai đoạn sớm của bệnh. Vì vậy, người bệnh cần đi khám sớm, ngay từ khi có triệu chứng của đau cách hồi tại cơ sở y tế có chuyên khoa Tim mạch để bác sĩ kiểm tra và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.

Ở giai đoạn muộn, khi có triệu chứng của loét hoặc hoại tử ngón chân, điều trị sẽ khó khăn, thậm chí phải cắt cụt chi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn