MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chuyên gia cho biết tiết canh chỉ chữa bệnh thiếu máu khi cơ thể không đủ sắt. Ảnh: Giang Linh

Tiết canh chỉ chữa bệnh thiếu máu khi cơ thể không đủ sắt

thuỳ linh LDO | 15/09/2023 21:33

Có không ít người cho rằng, tiết canh được làm từ máu nên sẽ giúp cơ thể chữa bệnh thiếu máu. Nhưng trên thực tế, món ăn này chỉ có thể chữa bệnh thiếu máu khi cơ thể không đủ sắt.

Tiết canh chỉ chữa bệnh thiếu máu khi cơ thể thiếu sắt

ThS.BS Nguyễn Quốc Nhật - Phó Trưởng khoa Điều trị hoá chất, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, thực tế, thành phần của tiết canh có chứa nhiều sắt. Trong khi đó, sắt lại là thành phần quan trọng để tạo máu. Cho nên, tiết canh chỉ có thể chữa bệnh thiếu máu khi nguyên nhân thiếu máu là do thiếu sắt gây ra.

Trong một số trường hợp, thiếu máu nhưng lại thừa sắt (ví dụ điển hình là thiếu máu do bệnh tan máu bẩm sinh - thalassemia) nếu uống thuốc sắt hoặc ăn thực phẩm chứa nhiều sắt sẽ khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Do đó, không phải ai ăn tiết canh cũng tốt.

Tuy nhiên, thiếu sắt chỉ là một trong số rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu. Khi muốn bổ sung sắt cho cơ thể, người bệnh cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý thực hiện chữa trị.

“Trước khi quyết định uống thuốc sắt hay sử dụng thực phẩm nhằm bổ sung sắt, người dân nên đi khám để tìm ra nguyên nhân gây thiếu máu. Không nên tự ý mua thuốc về và bổ sung tại nhà” - ThS.BS Nhật thông tin.

ThS.BS Nhật cũng lưu ý vấn đề quan trọng mà nhiều người thường bỏ qua, đó là ăn tiết canh khi chưa được nấu chín sẽ khiến cơ thể dễ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng. Do đó, mọi người nên cân nhắc trước khi ăn. Đặc biệt là những bệnh nhân được bác sĩ khuyến cáo ăn chín, uống sôi.

Nên ăn gì để khắc phục bệnh thiếu máu, thiếu sắt?

Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh thiếu máu và thiếu sắt cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp cơ thể nhanh hồi phục.

Chia sẻ về nguyên tắc dinh dưỡng dành riêng cho người bệnh, ThS Phan Kim Dung - Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Viện Huyết học - Truyền máu TW cho rằng: “Điều quan trọng nhất là người bệnh cần đảm bảo nguyên tắc ăn cân đối và đủ chất dinh dưỡng, cân đối giữa protein động vật và thực vật. Cung cấp đủ chất sắt trong từng bữa ăn”.

Người bệnh nên tăng cường sử dụng thêm nhóm thực phẩm cung cấp protein chứa nhiều sắt, acid folic và vitamin nhóm B như: thịt, thủy hải sản, trứng, nhóm rau lá màu xanh đậm, các loại quả chín, quả mọng,...

Hạn chế sử dụng trà, cà phê vì trong hai loại thức uống này có chứa tannin làm ức chế khả năng hấp thu sắt. Đặc biệt, chú ý bổ sung sắt hoặc đa vi chất dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn