MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

TPHCM: Một tuần ghi nhận 640 ca bệnh tay chân miệng

HỮU HUY LDO | 01/10/2020 17:13

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) nhận định, thời điểm này học sinh vào năm học mới là thời điểm bệnh tay chân miệng có thể bùng phát.

Theo số liệu thống kê, cộng dồn từ đầu năm đến tuần 39, toàn TPHCM ghi nhận 6.358 ca bệnh tay chân miệng. Riêng trong tuần 39, thành phố ghi nhận 640 ca bệnh (số ca bệnh cao nhất trong các tuần tính từ đầu năm đến nay). Số ca bệnh trong tuần tăng tại 19/24 quận huyện thuộc địa bàn thành phố.

“Đây là số liệu đáng báo động và cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để dịch không lây lan trên diện rộng”- Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cảnh báo.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm chủ yếu do nhóm vi rút đường ruột Enterovirus gây nên, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh. Bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin.

“Khả năng lây cao nhất là trong một tuần sau khi trẻ khởi phát triệu chứng. Tuy nhiên, vi-rút có thể tồn tại trong cơ thể trẻ vài tuần sau đó. Bệnh dễ lây lan nhất là trong những nơi đông trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ”- Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM thông tin.

Nốt phỏng nước xuất hiện nhiều ở tay chân miệng của bệnh nhi. Ảnh: Thùy Linh

Theo các bác sĩ, nguy cơ bị nhiễm bệnh có thể giảm đi nếu thực hiện những phương pháp vệ sinh tốt như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Làm sạch và khử trùng các bề mặt bẩn, các bề mặt thường xuyên chạm vào và các đồ dùng chung, bao gồm cả đồ chơi và tay nắm cửa; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để hạn chế lây lan cho trẻ khác.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý việc bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.

Phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà như giữ sạch các vết phồng rộp hoặc vảy và tránh chạm vào chúng; cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ nuốt; sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài việc chăm sóc tốt cho trẻ khi bị bệnh, cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ để phát hiện kịp thời khi có các dấu hiệu bất thường.

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: Sốt cao liên tục khó hạ (không giảm khi uống thuốc hạ sốt), giật mình chới với khi ngủ hoặc thức, run tay chân, đi đứng loạng choạng không vững, nôn ói liên tục, trẻ lừ đừ, li bì hoặc không tiếp xúc, co giật, da xanh tái, thở mệt hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ba mẹ thấy lo lắng… phải đưa trẻ nhập viện ngay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn