MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hải sản, sữa, bột mì, thuốc hay vắc xin là các tác nhân dễ gây dị ứng cho trẻ em. Ảnh đồ họa: H. Giang

Trẻ bị dị ứng thức ăn, có nên cho trẻ tập ăn để thích ứng hay không?

Thùy Linh LDO | 05/12/2020 15:44

Có khoảng 5-8% trẻ em bị dị ứng thức ăn, trong khi tỉ lệ này ở người lớn chỉ 1-2%. Các tác nhân phổ biến nhất là kháng sinh, vắc xin, thức ăn như sữa, hải sản, các loại hạt…

TS.BS Lê Quỳnh Chi- Trưởng khoa Miễn dịch - Dị ứng- Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dị ứng thức ăn thường xảy ra trên cơ địa mẫn cảm, có tính di truyền. Trên toàn cầu hiện có khoảng 220-250 triệu người bị dị ứng thức ăn. Có khoảng 5-8% trẻ em bị dị ứng thức ăn, trong khi tỉ lệ này ở người lớn chỉ 1-2%.

"Riêng với dị ứng, các tác nhân phổ biến nhất là kháng sinh, vắc xin, thức ăn, sữa, hải sản, các loại hạt… Trong đó chỉ tính riêng dị ứng kháng sinh, trung bình mỗi tuần khoa tiếp nhận 10 ca"- bác sĩ Chi nói.

Với dị ứng thức ăn, khoa từng thực hiện nghiên cứu cho thấy, có tới 94,2% trẻ dưới 2 tuổi có tiền sử dị ứng 1-3 lần với thức ăn và gần 60% trẻ có biểu hiện lâm sàng sau vài phút đến dưới 1 giờ.

Nguyên nhân được xác định do hệ thống men tiêu hóa của trẻ còn non yếu, khả năng thấm của tế bào ruột cao hơn người lớn, nồng độ kháng thể IgA tiết giảm…

Khi trẻ bị dị ứng thức ăn thường đi kèm các bệnh lý dị ứng khác như chàm (chiếm 90%), 10% bị hen phế quản kèm theo. Trẻ bị dị ứng thức ăn dưới 2 tuổi có nguy cơ cao bị hen lúc 7 tuổi.

Đặc điểm lâm sàng dị ứng thức ăn rất đa dạng, trong đó 88,4% trẻ có biểu nhẹ ở ngoài da, niêm mạc 88,4%, tiêu hóa 88,4%, hô hấp 44,2% và 15,1% trẻ bị dị ứng toàn thân, nặng nhất là sốc phản vệ.

“Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất, nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong trong vòng vài phút”- bác sĩ Chi nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, cha mẹ không tự ý cho trẻ tập ăn đồ ăn trẻ bị dị ứng. Để giải mẫn cảm cần phải có phác đồ cụ thể.

"Việc ăn bao nhiêu, ăn khi nào cần được bác sĩ thăm khám, đánh giá chi tiết, sau đó xét nghiệm lại kháng thể IgE đặc hiệu trong máu, từ đó mới điều chỉnh tăng liều hay giảm liều”, TS Chi cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn