MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bé bị nang thừng tinh có thể phải phẫu thuật để không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.

Trẻ bị sưng, căng ở tinh hoàn coi chừng mất "bản lĩnh"

L.Hà LDO | 15/08/2017 11:37

Bé Bùi Văn Gia H. (3 tuổi, ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử mổ nang nước thừng tinh bên phải cách đây 1 năm, nay xuất hiện khối phồng bìu bên phải, được gia đình cho nhập viện khám và kiểm tra.

Ngày 15.8, Khoa Ngoại và Chuyên khoa (BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh) đã phẫu thuật cho bé Gia H., bị nang nước thừng tinh.

Kết quả xét nghiệm, siêu âm tinh hoàn cho thấy, hình ảnh ống bẹn phải có nang thành mỏng, dịch đồng nhất kích thước 20x9mm. Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chỉ định gây mê tĩnh mạch và phẫu thuật cắt nang nước thừng tinh cho bệnh nhi. Các bác sĩ tiến hành cắt nang nang thừng tinh một bên cho bé. Sau phẫu thuật bệnh nhi được theo dõi vài ngày tại BV.

Các bác sĩ lấy nang nước thừng tinh cho bệnh nhi. Ảnh do BS cung cấp

Bác sĩ Nguyễn Kim Hiếu - Khoa Ngoại và Chuyên khoa - cho biết, nang thừng tinh ở trẻ, được hiểu là một bẩm sinh tồn tại trong một ống nhỏ từ ổ bụng xuống bìu và tạo thành nang. Bình thường ở trẻ nhỏ, khi vẫn là bào thai, tinh hoàn từ trong bụng di chuyển xuống bìu, kéo theo lớp phúc mạc tạo thành một ống phúc tinh mạc, thông từ bụng tới bìu.

Sau khi sinh, ống này teo và đóng lại, trường hợp ống phúc màng tinh không đóng, không kín sẽ làm cho nước màng bụng tiết ra, tụ lại thành nang thừng tinh.

Cũng theo bác sĩ Hiếu, không phải trường hợp nang thừng tinh nào ở trẻ cũng gây ra nguy hiểm. Khi trẻ bị nang thừng tinh sau một thời gian, ống phúc tinh hoàn đóng lại, dịch sẽ không chảy, sẽ khô lại và tinh hoàn trở lại bình thường.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ bị nang thừng tinh hơn 1 năm mà vẫn chưa khỏi, sẽ rất nghiêm trọng, các bậc cha mẹ phải đi điều trị cho trẻ ngay. Bởi nang thừng tinh ở trẻ phát triển sẽ gây chèn ép bó mạch thừng tinh, điều này sẽ gây ra những nguy hại về sau. Đó là tạo áp lực lớn cho tinh hoàn, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu, chức năng sản xuất của tinh trùng bị giảm sút hay làm teo tinh, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản sau này. Cũng có thể gây rối loạn, suy giảm chức năng sinh lý – sinh tinh sau này.

“Các bậc cha mẹ cần phải hết sức lưu ý quan sát con nhỏ khi có những biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục của trẻ. Nếu có hiện tượng sưng, căng ở tinh hoàn thì nên đưa bé đi khám, điều trị ngay cho bé”, bác sĩ Hiếu khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn