MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo trẻ em phải nhập viện điều trị vì mắc sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Ảnh: BVCC

Trẻ em phải nhập viện vì sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng

Hương Giang LDO | 29/08/2023 08:38

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua muỗi. Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2023 đến nay có 133 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết, đặc biệt từ đầu tháng 8.2023 đến nay đã có 97 trẻ phải nhập viện điều trị.

Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát. Đặc biệt là sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.

Theo các bác sĩ, ngoài các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau bụng giống với các bệnh lý thông thường, nếu trẻ có thêm triệu chứng đau đầu, buồn nôn, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da cha mẹ cần nghĩ ngay đến trẻ mắc sốt xuất huyết và đưa đến cơ sở y tế để thăm khám.

Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận 133 trẻ sốt xuất huyết, đặc biệt từ đầu tháng 8 đến nay đã có 97 trẻ nhập viện, trong đó có nhiều bệnh nhi ở dấu hiệu cảnh báo. May mắn là chưa có trường hợp nào tử vong.

Các dấu hiệu bệnh trở nặng cha mẹ cần chú ý

Theo Ths.BS Đỗ Thị Thúy Nga - Phó trưởng Khoa Nội tổng quát - Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh là thời kì bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm đặc biệt là trẻ có biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiểu ít, hoặc trẻ có tình trạng chảy máu nặng như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa là những tình trạng bệnh nặng cần đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Với bệnh lý sốt xuất huyết, nếu được phát hiện sớm từ những ngày bệnh đầu tiên khi trẻ chỉ có những biểu hiện của sốt mà chưa có những tình trạng dấu hiệu cảnh báo thì các bác sĩ có thể hướng dẫn cha mẹ theo dõi trẻ ở nhà.

Một số biện pháp chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà

Hạ nhiệt, hạ sốt cho trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ uống thuốc Paracetamol hàm lượng 10-15mg/Kg, uống cách từ 4-6 giờ.

Đặc biệt không cho trẻ uống các loại thuốc hạ sốt khác như Analgin, Aspirin, Ibuprofen…

Cho trẻ nằm trong phòng thoáng mát và nới rộng quần áo.

Bù nước cho trẻ: Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể uống nước hoa quả, Oresol và cho trẻ uống rải đều nước trong ngày. Đặc biệt chú ý không được uống dồn một lúc, điều này có thể khiến trẻ bị chướng bụng, đầy bụng và có thể bị đau bụng.

Về dinh dưỡng: Cho trẻ ăn lỏng dễ tiêu và đặc biệt không cho trẻ ăn đồ cứng, nhiều chất xơ. Không cho trẻ ăn uống đồ có ga, có màu nâu hoặc đen vì có thể gây nhầm lẫn trong vấn đề chẩn đoán bệnh.

Một số biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết tại nhà

Vệ sinh sạch sẽ quanh khu vực sinh sống.

Làm sạch dụng cụ chứa nước hoặc đậy nắp, đổ bỏ để tránh muỗi có điều kiện đẻ trứng.

Nên để trẻ nằm ngủ trong màn hoặc với trẻ sinh hoạt ngoài trời nên sử dụng chế phẩm đuổi muỗi, tránh trẻ bị muỗi đốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn