MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nước giặt giẻ lau có ảnh hưởng đến sức khoẻ học sinh?

Trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng có nguy hại cho sức khoẻ?

L.Hà LDO | 05/04/2018 19:26
Thông tin cô giáo phạt học sinh bằng cách bắt uống nước giặt giẻ lau bảng gây xôn xao dư luận. Nhiều phụ huynh thắc mắc, trẻ uống phải nước bẩn đó có nguy hại cho sức khỏe?

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) cho rằng: Để khẳng định học sinh uống nước giặt giẻ lau có nguy hại sức khoẻ không, phải tìm hiểu giẻ có mức độ bẩn thế nào? Giẻ dùng để lau gì?... Nếu chỉ dùng lau bảng viết phấn mà phấn đó được sản xuất đúng tiêu chuẩn thì không quá lo ngại. Còn nước giặt giẻ lau bảng chứa nhiều bụi, các tạp chất khác... sẽ không tốt cho đường tiêu hoá. 

Có rất nhiều ý kiến trái chiều về những tác hại của bụi phấn. Nhiều người cho rằng khi hít phải bụi phấn, nó hoàn toàn vô hại vì không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu bụi phấn tích tụ lâu ngày trong hệ thống hô hấp thì đó lại là một vấn đề hoàn toàn đáng chú ý.

"Viên phấn sử dụng trong lớp học thường được làm từ canxi cacbonat, một dạng đá vôi tự nhiên. Phương pháp truyền thống của việc tạo phấn trắng là tạo ra một loại bột sét có chứa canxi cacbonat và thạch cao cho nó vào khuôn phấn. Phấn này thường dễ viết trên bảng phiến nhưng nó cũng tạo ra một lượng bụi đáng kể bay trong không khí xung quanh. Về nguyên tắc thì phấn không độc", PGS.TS Côn nói.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với phấn bụi phấn rất dễ bay vào khoang miệng, vào mũi và có thể dẫn đến viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phế quản… đã được cảnh báo nhiều. Hiện nay, phấn không bụi được sản xuất và bán trên thị trường rất nhiều. Người ta thay nguyên liệu thạch cao truyền thống bằng một loại bột nhẹ (CaCO3) phù hợp có độ phủ, độ mịn và độ trắng cao, đảm bảo chỉ cần một lớp rất mỏng đã có thể cho các nét viết rõ rệt. Nguyên liệu bột được phối trộn với một dung dịch kết dính (keo) hữu cơ đặc biệt đến một độ dẻo cần thiết và gia công viên phấn.

Quay lại vụ việc cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau, một bác sĩ công tác tại BV Bạch Mai, Hà Nội cho rằng: Vụ việc đã xảy ra hơn 2 tuần nhưng tốt nhất người thân nên đưa học sinh đi kiểm tra sức khoẻ. Hiện không biết nước học sinh có uống vào không hay chỉ cho vào khoang miệng rồi nhổ ra. Ngoài ra, nước đó bẩn như thế nào cũng không ai biết. Do đó, cách tốt nhất nên đưa học sinh đi kiểm tra sức khoẻ.

Trước đó, ông Phạm Khắc Thảo (60 tuổi, trú tại thôn Cái Tắt, xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng), cho biết cháu gái ông là Ph.Ph.A, học sinh lớp 3A5, Trường tiểu học An Đông, Hải Phòng do cô Nguyễn Thị Minh Hương làm chủ nhiệm bị cô giáo phạt bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng do nói chuyện trong lớp. 

Ngày 4.4, Phòng Giáo dục huyện An Dương, TP Hải Phòng cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn