MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trên 3 triệu trẻ em cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần

Trần Thế Vinh LDO | 15/04/2022 18:28

Theo khảo sát mới được công bố vào đầu tháng 4 năm nay của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, cả nước có trên 3 triệu trẻ em cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đặc biệt, những ngày vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tin tức đáng buồn liên quan đến vấn đề này.

Tại hội thảo online diễn ra tối ngày 14.4.2022 “Vaccine cho trẻ về thể chất và tinh thần” do MetaMinds tổ chức với sự đồng hành của Thương hiệu sách Y học MedInsight và Công ty Công nghệ eDoctor, nhiều ý kiến đã đề cập tới sức khỏe tinh thần của trẻ.

Cần quan tâm của người lớn

TS-BS sức khỏe tâm thần Trịnh Thị Bích Huyền (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ câu chuyện về một bé trai 13 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt: Bố mẹ đến với nhau là lần thứ 2, trước đó mẹ cháu có một con trai, và người con này cũng ở cùng gia đình. Tuy nhiên, bà ngoại cháu chỉ quan tâm đến anh trai, chứ không quan tâm đến cháu.

TS BS sức khỏe tâm thần Trịnh Thị Bích Huyền (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh cắt từ hội thảo online

Khi mẹ bị suy thận phải thay thận trong bệnh viện 1 tháng, cháu ở nhà một mình với bố, học online. Cháu thích đá bóng nhưng vì dịch nên không ra ngoài. Tất cả những điều này khiến cháu có biểu hiện chán nản, kích động. Khi đến gặp bác sĩ, cháu chia sẻ rất lâu với bác sĩ. Có bé khi bị rối loạn tâm thần còn tự làm đau mình bằng việc dùng dao cắt tay, chân; nhưng may mà gia đình phát hiện kịp nên cấp cứu cho bé được kịp thời.

TS-BS Huyền cho biết, trong quá trình làm việc, bà gặp khá nhiều trẻ có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Phổ biến là các vấn đề trầm cảm, rối loạn lo âu, có các hành vi hủy hoạt bản thân, tự sát, nghiện game, những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường. Trong thời kỳ của đại dịch COVID-19, tỉ lệ này càng tăng lên bởi những lý do như: Trẻ ở trong các khu vực cách ly, không có sự tiếp xúc với môi trường bên ngoài, học online nhiều, không có các hoạt động thể dục thể thao; gia đình không quản lý được thời gian học tập của trẻ, trẻ có thể sử dụng các phương tiện điện tử thoải mái như máy tính điện thoại và vô tình nghiện các trò chơi online… Đặc biệt với những trẻ đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần như tự kỷ, tăng động… thì việc cách ly thời kỳ dịch bệnh còn gây ảnh hưởng nhiều hơn. Khi mắc bệnh, trẻ có biểu hiện mất ngủ, đau đầu, rối loạn lo âu, trầm cảm, nặng hơn là muốn tự sát hoặc tìm cách tự sát.

Theo BS Huyền, có 4 nguyên nhân gây ra các rối loạn tâm thần ở trẻ. Nguyên nhân từ gia đình: Bố mẹ và con chưa có tiếng nói chung; bố/ mẹ hoặc cả hai bố mẹ áp đặt con cái, kỳ vọng và tạo áp lực học hành cho con quá cao, khi không đạt được kết quả thì tỏ ra thất vọng, chì chiết, đánh mắng trẻ… mâu thuẫn trong gia đình, bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân… Nhà trường: Những mối quan hệ nhà trường như thầy cô, bạn bè, áp lực học tập thành tích của nhà trường, áp lực đi thi học sinh giỏi, đội tuyển, vấn đề về bạo lực học đường… Xã hội: Những mối quan hệ ngoài xã hội ảnh hưởng, ví dụ như hội nhóm, bạn bên ngoài trường lớp, rủ nhau dùng chất kích thích… Bản thân trẻ: Trẻ cũng có thể tự tạo áp lực cho mình, phải đạt được thành tích về học tập, hoặc do nhân cách yếu, dễ bị căng thẳng stress khi có sự cố…

Học cách làm bạn với con

Trẻ có suy nghĩ tự sát thường có một số các biểu hiện sau: Trước đó, trẻ có những biểu hiện của trầm cảm; Thường hay nhắc đến cái chết; Trẻ nói những câu như là: “Cuộc sống chả có ý nghĩa gì”, hoặc “Đám tang của mình sẽ ra sao nhỉ, bao nhiều người dự, bạn bè sẽ thế nào”, “Tôi muốn được ngủ một giấc ngủ dài và không bao giờ tỉnh lại”… Có thể trẻ thể hiện những điều nay bằng cách viết nhật ký, thư để lại hoặc chia sẻ với bạn bè thân nhất của mình. Trẻ cũng có thể có biểu hiện như xin tiền để mua bán một thứ gì đó hoặc tìm hiểu về một loại thuốc ví dụ như thuốc an thần, hoặc nói về thuốc uống để chết…

Để phòng chống rối loạn tâm thần tuổi học đường, TS-BS Huyền đưa ra các giải pháp dành cho cha mẹ, người giám hộ như sau: Bố mẹ cần tạo mối quan hệ cởi mở với con, đồng hành cùng con, như là bạn bè với con. Tốt nhất là làm sao để con cái có thể chia sẻ chuyện vui buồn ở trường ở lớp với cha mẹ. Động viên con khi con có chuyện buồn ở lớp hay bạn bè, thành công hay thất bại nên chia sẻ với bố mẹ.  Kết thân với bạn bè của con. Nếu con bạn có bạn trai, bạn gái, đó là bình thường, không cấm đoán con. Tạo môi trường gia đình tốt cho trẻ, tránh xung đột, bạo lực gia đình. Lắng nghe con, không quyết định thay con, mà đưa ra ý kiến và giúp con đưa ra quyết định đúng nhất. Rèn luyện cho trẻ nhân cách mạnh mẽ, tránh tình trạng gọi dạ bảo vâng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn