MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Y tế Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi” tiếp tục được tổ chức tại 4 tỉnh thành phố trong thời gian tới. Ảnh: Thảo Phương

Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ 50.000 người khám sàng lọc các bệnh lý về phổi

Thảo Phương LDO | 15/12/2023 16:50

Mục tiêu ban đầu của chương trình “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Y tế Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi” là khám sàng lọc nguy cơ mắc các bệnh lý về phổi cho hơn 50.000 người dân trên địa bàn TP Hà Nội, TP Cần Thơ, TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đó là chia sẻ của Thạc sĩ, Dược sĩ Trương Văn Đạt - Phó Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, trong buổi họp báo chương trình “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Y tế Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi”, tại Hà Nội, chiều ngày 15.12.

Thạc sĩ, Dược sĩ Trương Văn Đạt, Phó Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Ảnh: Thảo Phương

Theo ông Đạt, sau sự thành công của “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Y tế Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi” tại TPHCM, đợt 2 của chương trình sẽ được tổ chức tại TP Hà Nội, TP Cần Thơ, TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế với sự phối hợp triển khai của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Tú - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam nhận định, chương trình “Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi” được triển khai sẽ góp phần giảm thiểu gánh nặng của ngành y tế trong công tác điều trị các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt trong bối cảnh ô nhiễm không khí như hiện nay.

ÔngPhương Lễ Trí, đại diện Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Tú và Bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn tại buổi họp báo. Ảnh: Thảo Phương

“Với sự thành công ở TPHCM, chương trình tiếp tục được phát động tại Hà Nội vào ngày 17.12 tới, người dân tham gia khám sàng lọc sẽ được hỗ trợ đánh giá sức khỏe bằng những công cụ chẩn đoán thế hệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo) và Big data (dữ liệu lớn).

Các nhóm chuyên gia y tế cũng hỗ trợ người dân trực tiếp tại chương trình hoặc gián tiếp qua các ứng dụng điện thoại”, ông Tú chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, việc sử dụng AI trong chương trình sẽ hỗ trợ người dân phát hiện sớm các bệnh lý về phổi.

Đặc biệt là những người có triệu chứng bệnh nhưng chưa có điều kiện đi khám ở những bệnh viện tuyến trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn khẳng định sự hỗ trợ của AI sẽ giúp người dân và bác sĩ nhận định các triệu chứng ban đầu nhanh hơn. Ảnh: Thảo Phương

“Tham gia hỗ trợ khám sàng lọc tại chương trình sẽ có các y bác sĩ tại Bệnh viện K, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phổi Hà Nội và các đơn vị y tế trên địa bàn.

Việc có trí tuệ nhân tạo hỗ trợ những khâu khám sàng lọc sẽ góp phần giúp các y bác sĩ nhận diện triệu chứng bệnh ban đầu nhanh hơn, đảm bảo quá trình khám toàn diện cho người dân”, ông Sơn nói.

Hoạt động khám tại cộng đồng của chương trình “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Y tế Chuyển đổi số vì sức khỏe Phổi” sẽ được tổ chức vào ngày 17.12 tại phố đi bộ Trần Nhân Tông, Hà Nội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn