MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Đặng Văn Hà, Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện An Việt, tư vấn cho trường hợp muốn trữ trứng. Ảnh: Hải Phạm

Trữ trứng chờ ngày làm mẹ tốt nhất ở khoảng thời gian nào

hà lê LDO | 25/07/2024 17:14

Trữ lạnh noãn (còn gọi là trữ lạnh trứng hoặc trữ trứng) được xem là nguồn hi vọng mới cho người phụ nữ có mong muốn bảo toàn thiên chức làm mẹ.

Muôn kiểu lý do trữ trứng

Năm nay 32 tuổi, chị H.M (Nam Định) đến trung tâm hỗ trợ sinh sản với mong muốn trữ trứng.

Chị cho biết, mình đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc đã 8 năm. Tranh thủ kì nghỉ về thăm nhà, chị tìm tới bệnh viện để thực hiện dự định của mình.

Chị M cho biết, chị đang rất bận rộn với những dự định cá nhân ở Hàn Quốc. Bản thân cũng chưa sẵn sàng cho mối quan hệ cá nhân nào. Lo ngại tuổi tác càng ngày càng lớn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng trứng nên chị đã tới bệnh viện để thực hiện trữ trứng.

Cũng giống như chị M, chị L.A (ở Thái Nguyên) lại thực hiện trữ trứng sau khi đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ. "Dù mới 26 tuổi nhưng sau khi thăm khám kết quả cho thấy chỉ số chỉ buồng trứng ở mức 0,3. Tức là năm nay 26 tuổi nhưng buồng trứng của em như người 42 tuổi. Chính vì thế, tôi được bác sĩ khuyên nên trữ trứng khi chưa có kế hoạch kết hôn trong thời gian tới", chị L.A chia sẻ.

Theo bác sĩ Đặng Văn Hà, Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện An Việt, ngày càng nhiều chị em chủ động đi trữ đông trứng tại bệnh viện vì kế hoạch chủ động của cá nhân cũng như do gặp phải các trường hợp bệnh lý. Với các bệnh nhân này, bác sĩ sẽ kích thích buồng trứng rồi tiêm trưởng thành noãn và chọc hút noãn. Mỗi lần chọc hút noãn, bác sĩ có thể lấy được một số noãn nhất định, một số trường hợp bệnh nhân sẽ thực hiện nhiều lần cho tới khi gom được số lượng khoảng 10 noãn để trữ đông.

Trữ trứng có thực sự hiệu quả?

Bác sĩ Đặng Văn Hà cho biết, việc trữ đông trứng là để đảm bảo khả năng sinh sản ngay cả khi phụ nữ đã qua độ tuổi phù hợp. Độ tuổi kết hôn và có con ngày càng cao nên nhiều phụ nữ tìm tới với phương pháp này. Sự tiến bộ của các phương pháp hỗ trợ sinh sản cũng thúc đẩy việc trữ trứng ở phụ nữ ngày càng phổ biến hơn. Việc tiếp cận dịch vụ lưu trữ trứng cũng dễ dàng hơn. Độ tuổi càng cao số lượng trứng ngày càng giảm, đồng thời chất lượng trứng bất thường càng nhiều. Do đó, trữ trứng nên được thực hiện càng sớm càng tốt nếu chưa có kế hoạch có thai trong thời gian gần.

Trên thế giới, có những trường hợp trữ trứng lên đến 20 năm. Sau đó, rã trứng ra và cho tinh trùng vào tạo thành phôi. Như vậy, chứng tỏ trứng khi để trong thùng đông lạnh thời gian dài vẫn có khả năng tạo thành phôi, tuy nhiên tỉ lệ sẽ khác.

Về trữ đông trứng, không có giới hạn bắt buộc. Những nghiên cứu trên thế giới cho thấy trứng, cũng như phôi còn đủ chất lượng trong vòng 10 năm đầu tiên, sau đó sẽ giảm dần chất lượng. Điều này không có nghĩa tất cả các trứng đều không thụ tinh được. Ví dụ, trước 10 năm, chúng ta rã trứng ra thì 60 - 70% tạo thành phôi; sau 10 năm có thể tỉ lệ này sẽ giảm xuống còn 40 - 50% và sau 15 năm giảm còn 20 - 30%.

Bác sĩ có lời khuyên, các chị em nên dùng trứng trong vòng 10 năm hoặc cao nhất là 15 năm đầu tiên. Thứ nhất, trứng trữ sau 15 năm, vẫn sử dụng được, vẫn có khả năng mang thai nhưng tỉ lệ thành công sẽ giảm. Bên cạnh đó, cơ thể chúng ta sẽ lớn lên, lão hóa đi nên niêm mạc tử cung có thể giảm chất lượng và khi chuyển phôi vào khả năng thụ thai sẽ thấp hơn. Dưới 35 tuổi, chất lượng của trứng sẽ được bảo đảm hơn. Trên 35 tuổi, về lý thuyết sẽ giảm chất lượng nhưng về thực tế có rất nhiều người sau 35 tuổi vẫn có chất lượng trứng tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn