MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tự điều trị viêm tai giữa, biến chứng khó lường

Hà Lê LDO | 30/09/2022 14:40

Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo về các cách điều trị viêm tai giữa, đặc biệt là ở trẻ em, nhưng nhiều người vẫn mách nhau cách điều trị phản khoa học. Hậu quả là bệnh nặng lên, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Đưa con tới bệnh viện nhờ bác sĩ can thiệp sau khi tự ý chữa viêm tai giữa tại nhà bằng sáp ong theo phương pháp được hội bỉm sữa truyền tai nhau trên mạng xã hội, chị Minh Hưng ở tỉnh Hà Nam không khỏi xót xa và tự trách mình.

Bệnh khỏi đâu chưa thấy chỉ thấy cậu con trai 3 tuổi tình trạng nặng hơn, chảy dịch và kêu đau tai sau khi được chị lấy sáp ong đun nóng cho tan ra rồi phết lên tờ giấy mỏng, sau đó đốt tờ giấy rồi thổi khói vào tai con.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt cho biết, trường hợp như trên nhiều mẹ mắc phải khi điều trị cho con.

 PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Hải Phạm

Theo PGS Hoài An, viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ nhất là trong giai đoạn giao mùa như hiện nay, tuy nhiên nếu bố mẹ không điều trị kịp thời, triệt để, khiến viêm tái đi tái lại kèm theo ứ dịch mủ trong tai có thể gây nguy hiểm lớn.

"Dùng sáp ong trong điều trị bệnh viêm tai hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Thậm chí, đổ sáp như thế sẽ bịt mất đường dẫn lưu của mủ ra khỏi tai, mủ không chảy được ra ngoài sẽ chảy vào trong gây nên những biến chứng nặng", PGS Hoài An cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An cũng cảnh báo: Nhiều bậc cha mẹ ngại đưa con đi khám đã tự ý điều trị không đúng cho trẻ, hậu quả là bệnh càng nặng hơn. Tự dùng ôxy già sai cách nhỏ tai với mục đích rửa sạch mủ nhưng đây là một sai lầm nghiêm trọng. Việc tự vệ sinh bằng các dụng cụ không sạch, thô bạo gây tổn thương ống tai làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm thêm. Nếu nước ôxy già không được làm sạch, đọng lại trong tai gây kích ứng, phù nề thành ống tai, hòm nhĩ (trong trường hợp thủng màng nhĩ) tăng nguy cơ chít hẹp ống tai.

Một số trẻ được cha mẹ tự ý mua kháng sinh uống không đúng lựa chọn ưu tiên hoặc uống với liều quá thấp không đạt hiệu quả điều trị, thay thuốc nhiều lần gây kháng thuốc khó khăn cho điều trị khi đến khám.

Tự ý ngừng thuốc: Với trẻ cần phải điều trị bằng kháng sinh, cần tuân thủ đúng số ngày và liều điều trị, tự ý giảm liều khi trẻ đỡ hơn làm giảm hiệu quả diệt khuẩn. Điều trị chưa đủ ngày, không tái khám, ngưng thuốc, bệnh tái phát sớm, tăng nguy cơ kháng thuốc dẫn đến khó trị.

Thổi thuốc, nhỏ thuốc vào tai: Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc dùng thuốc tùy tiện, nhất là thổi thuốc vào tai. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều bậc cha mẹ khi thấy tai trẻ chảy mủ, đã tự ý nghiền thuốc kháng sinh, đốt sáp ong hay phèn chua... để thổi vào trong tai gây nhiễm trùng ngược vào trong, bệnh nặng thêm. Nên nhớ, màng nhĩ như bức tường thành ngăn cách tai giữa và ống tai ngoài, nếu không thủng sẽ không cho bất kỳ thuốc gì xuyên qua, thổi vào cũng vô ích.

Ngoài ra, thổi vào tai bột không tan trong nước, không hấp thu gây vón cục vì thế sẽ gây bít tắc đường dẫn ra của dịch, khiến dịch đọng lại trong tai giữa hoặc hình thành nút kín ống tai giảm sức nghe của trẻ, ảnh hưởng đến khả năng học nói của trẻ.

Thêm một lưu ý, nếu màng nhĩ nguyên vẹn việc rửa tai bằng nước muối, cồn iod hay bôi thuốc... cũng sẽ không thể tiếp cận đến tai giữa, vừa không có lợi ích vừa tốn công chăm sóc mà dễ làm trẻ sợ hãi khi làm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn