MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tử vong do đột quỵ đứng hàng đầu, chuyên gia bày cách phòng bệnh

Anh Tú LDO | 15/10/2022 19:57

TPHCM - Ngày 15.10, trong chương trình "Cấp cứu đột quỵ: Cuộc chạy đua với thời gian", ThS, BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa cho biết: "Hằng năm có khoảng 14 triệu người trên thế giới bị đột quỵ, trong đó 6 triệu người tử vong. Tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tử vong do đột quỵ đã đứng hàng đầu, vượt trên tim mạch".

Theo ThS, BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Quân Y 175, đột quỵ não hay tai biến mạch máu não (TBMMN) là một nhóm bệnh lý của mạch máu não. Nhồi máu não là loại đột quỵ thường gặp nhất, trong đó mạch máu cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn gây thiếu máu nuôi làm chết các tế bào não, từ đó gây hậu quả tàn phế nặng nề và có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Bệnh viện Quân Y 175 cấp cứu cho trường hợp bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch giữa một bên thoát khỏi con nguy kịch vào ngày 5.8.2021. Ảnh: BVCC

"Hằng năm có khoảng 14 triệu người trên thế giới bị đột quỵ, trong đó 6 triệu người tử vong. Tại nhiều quốc gia, tử vong do đột quỵ đã đứng hàng đầu, vượt trên tim mạch, trong đó có Việt Nam" - bác sĩ Nghĩa cho biết.

Bác sĩ Nghĩa cho biết thêm, hiện nay, với sự hình thành ngày càng nhiều các đơn vị cấp cứu đột quỵ cùng các phương pháp điều trị tiên tiến, tỷ lệ tàn phế và tử vong do đột quỵ não đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ thực hiện được ở các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đội ngũ các chuyên gia về thần kinh mạch máu có kinh nghiệm. Bệnh viện Quân y 175 là một trong số những cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM có thể tiếp nhận và điều trị đột quỵ với đầy đủ phương pháp, góp phần mang đến cơ hội sống và phục hồi cho các bệnh nhân.

ThS, BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh - chia sẻ tại chương trình.

Tại Bệnh viện Quân y 175, mỗi ngày trung bình tiếp nhận từ 8-10 bệnh nhân đột quỵ. Khi tiếp nhận trường hợp đột quỵ, bệnh viện sẽ kích hoạt quy trình Code Stroke (báo động đột quỵ) và thông báo đến các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ chuyên khoa thần kinh tiến hành hội chẩn khẩn ngay. Qua đó đánh giá tổn thương não và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Người dân đặt câu hỏi cho bác sĩ.

Bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa - Phó Chủ nhiệm Khoa nội thần kinh, Bệnh viện Quân Y 175 - cho hay, người bệnh đột quỵ sẽ có những triệu chứng báo sớm như tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười không cân đối, không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc, nói giọng bất thường, bị líu lưỡi, đau đầu dữ dội... nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, thường kéo dài vài phút. Nên khi nhận biết được dấu hiệu trên cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất trong thời gian vàng (từ 3 - 6 giờ đầu tiên). Tuyệt đối không được tự ý điều trị bệnh nhân tại nhà để tránh tình trạng quá thời gian vàng, cơ hội sống sẽ trở nên mong manh.

Bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa - Phó chủ nhiệm Khoa nội thần kinh - chia sẻ.

Ngoài ra, bác sĩ Hòa cũng cho biết thêm, hiện nay, tỉ lệ người dân nắm được những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ trong cộng đồng còn thấp. Để phòng ngừa đột quỵ, ông khuyến cáo ở người chưa bị đột quỵ nhưng có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì… cần điều chỉnh những yếu tố nguy cơ này bắt đầu từ việc xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, không lạm dụng rượu bia, bỏ thuốc lá, hạn chế mỡ động vật, tăng cường vận động, kiềm chế những căng thẳng không đáng có trong cuộc sống, ngủ đủ giấc...

"Ngoài việc áp dụng các phương pháp trên, cần khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là tầm soát các yếu tố nguy cơ nhằm phát hiện sớm các yếu tố thúc đẩy đột quỵ có thể xảy ra. Đây được xem là những biện pháp dự phòng hiệu quả và chủ động nhất" - bác sĩ Hòa chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn