MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tỷ lệ tử vong do hút thuốc lá sẽ vẫn còn diễn ra, nếu vẫn né tránh sự thật

Thuỳ Liên LDO | 25/11/2020 15:00

Vấn nạn về các bệnh lý do hút thuốc gây ra đang ngày càng gia tăng, đòi hỏi cần có các chính sách hiệu quả hơn.

Theo các chuyên gia, chính sách đó cần nhìn nhận chuỗi nguy cơ của các sản phẩm thuốc lá trong đó thuốc lá điếu là tác hại nhất cần sớm loại bỏ và đồng thời khuyến khích chuyển đổi sang các sản phẩm giảm thiểu tác hại.

Các chuyên gia cũng tỏ ra quan ngại vì, đến nay, vẫn có không ít những ý kiến cho rằng những sản phẩm giảm thiểu tác hại thay thế thuốc lá điếu lại có khả năng gây hại hơn, hoặc tiềm ẩn nguy cơ tạo ra đối tượng nghiện mới là những người trẻ trưởng thành.

Trong bối cảnh việc quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn còn quá mới mẻ với thị trường nước ta, ông David Sweanor, thành viên của Hội đồng tổ chức HealthBridge Canada, một người công tác trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng toàn cầu liên quan đến thuốc lá trong hơn 30 năm qua đã có những chia sẻ thẳng thắn.

Sản phẩm giảm thiểu tác hại khác biệt với thuốc lá điếu đốt cháy

David Sweanor cho rằng hoàn toàn thiếu sở cứ xác đáng khi nói rằng không có sự khác biệt giữa thuốc lá điếu đốt cháy và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Rõ ràng các sản phẩm các thuốc lá thế hệ mới giúp giảm thiểu hơn 95% nguy cơ so với thuốc lá điếu đốt cháy. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã công nhận, chính việc hít phải khói thuốc chứ không phải nicotin, mới là nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn các bệnh lý và hơn 20.000 ca tử vong mỗi ngày liên quan đến hút thuốc lá điếu đốt cháy trên toàn cầu.

Cần có biện pháp giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ

Theo ông David Sweanor giảm thiểu hoặc loại bỏ sự phơi nhiễm với các chất độc hại đang là một chiến lược quan trọng trong hàng loạt các giải pháp y tế cộng đồng. Đối với quan ngại của cộng đồng về thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng làm gia tăng khả năng giới trẻ nghiện thuốc lá điếu thông qua những sản phẩm này hay không, ông đưa ra những sở cứ cho thấy những sản phẩm thế hệ mới này góp phần thúc đẩy xu hướng tiêu thụ thuốc lá điếu giảm mạnh, chứ không phải là gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá điếu đốt cháy trong giới trẻ.

Ông David Sweanor cho rằng thuốc lá điếu nguyên nhân dẫn đến hơn 20.000 ca tử vong mỗi ngày trên toàn cầu.

“Cụ thể, sự ra đời của thuốc lá làm nóng tại Nhật Bản đã khiến doanh số kinh doanh thuốc lá điếu đốt cháy giảm hơn 1/3 chỉ trong vòng 4 năm. Đây là một tốc độ giảm chưa từng có tại một thị trường lớn và là thông tin mà tôi đã nghiên cứu và công bố”, ông dẫn chứng.

Được biết, sau hơn 3 năm tại Nhật Bản, chỉ có 0.1% những người đã cai thuốc (ngừng thuốc hơn 2 năm trước đó) tái hút thuốc bằng việc sử dụng thuốc lá làm nóng (khảo sát 2016 & 2017). Các chuyên gia nhận định, tỷ lệ này là rất thấp, và nhất quán với dữ liệu khảo sát từ các quốc gia khác.

Liên quan tới vấn đề này, David bày tỏ: “Cần ghi nhớ rằng, chúng ta không nên hy sinh sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người chỉ vì lo sợ rằng chúng ta không có khả năng triển khai các biện pháp hữu hiệu trong nỗ lực kiểm soát những hậu quả không mong muốn có thể xảy đến của các biện pháp y tế cộng đồng phù hợp”.

Dù vậy David cũng cho rằng cần có các biện pháp, chính sách phù hợp để tăng khả năng giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá và nicotin nói chung trong giới trẻ.

Mặt khác, việc trao quyền cho những người hút thuốc lá, để họ tự quyết định hoặc là cai nghiện triệt để thuốc lá, hoặc chuyển hoàn toàn sang các sản phẩm khác là điều cần thiết.

David Sweanor, công tác trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng toàn cầu liên quan đến thuốc lá trong hơn 30 năm qua. Ông là thành viên Hội đồng quản trị Tổ chức HealthBridge Canada, kiêm Luật sư và Chủ tịch Ban Cố vấn khoa Luật Y tế, Chính sách và Đạo đức của Đại học Ottawa; đồng thời là giảng viên đặc biệt của Khoa Dịch tễ học và Y tế Công cộng, Đại học Nottingham.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn