MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật. Ảnh: Thảo My

Ung thư dạ dày ở tuổi 30

Hà Lê LDO | 13/09/2022 10:33
Ung thư dạ dày đang ngày càng trẻ hóa với nhiều trường hợp 30 tuổi.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ác tính có tỉ lệ tử vong đứng hàng thứ hai trong số các bệnh ung thư. Trên thế giới, bệnh ung thư dạ dày thường xảy ra phổ biến ở người trong độ tuổi từ 50 – 70 tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỉ lệ mắc ung thư dạ dày đã có xu hướng tăng lên ở người trẻ. Tùy từng khu vực, quốc gia mà tỉ lệ này đã tăng từ 2 – 8%.

PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ đã điều trị cho khá nhiều trường hợp dưới 45 tuổi, thậm chí có bệnh nhân 30 tuổi nhưng điều đáng mừng là tỉ lệ phát hiện bệnh sớm ở người trẻ khá cao. Không ít người trẻ tình cờ phát hiện ung thư dạ dày dù không có triệu chứng, chỉ qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị cho bệnh nhân V.M.C (38 tuổi ở Hà Nội). Bệnh nhân tình cờ phát hiện mắc ung thư dạ dày trong lần khám sức khỏe định kỳ. Các bác sĩ đã chỉ định cắt một phần dạ dày để loại bỏ tế bào ung thư cho bệnh nhân C.

"Theo khai thác bệnh sử, anh C. cho biết trước khi phát bệnh, biểu hiệu bệnh của anh rất mơ hồ, đôi khi chỉ là cảm giác đầy bụng, ăn không tiêu và gần đây thường xuyên bị ợ hơi, sút cân"- BS Hà kể lại.

Trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày đầu tiên là các yếu tố nguy cơ về nhiễm khuẩn (vi khuẩn helicobacter pylori - HP), ước tính trên thế giới có khoảng 70% dân số thế giới mắc vi khuẩn HP này. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HP cũng bị ung thư dạ dày.

Tiếp đến, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư càng lớn, từ 40-50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người trẻ. Tuy nhiên, ung thư dạ dày nói riêng và ung thư nói chung có xu hướng trẻ hóa.

Chế độ ăn uống: Ăn nhiều chất cay, nhiều đồ ăn nướng, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít vận động cũng là một trong những nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Trong gia đình có người mắc ung thư dạ dày thì nhóm người trong gia đình này có tỉ lệ mắc ung thư cao hơn. Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày lành tính lâu năm, có thể tác động bởi biến đổi về mặt sinh lý trong dạ dày thay đổi, gây nên ung thư dạ dày...

Với ung thư dạ dày, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là yếu tố tiên quyết cho việc điều trị đạt hiệu quả tối đa. Bệnh nhân có thể chỉ cần nội soi dạ dày và cắt hớt niêm mạc mà không cần phẫu thuật.

Ở giai đoạn tiến triển, nếu còn khả năng phẫu thuật thì bệnh nhân sẽ phải mổ cắt dạ dày và vét hạch (phẫu thuật triệt căn). Sau mổ, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà bệnh nhân có thể được điều trị bổ trợ bằng hóa chất.

Bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật triệt căn thì vẫn được mổ, điều trị triệu chứng và chăm sóc giảm nhẹ...

Nhằm tư vấn người dân nhận biết triệu chứng sớm và điều trị ung thư dạ dày, ngày 24.9 tới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức chương trình khám, tư vấn miễn phí ung thư dạ dày với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tiêu hóa.

Dịp này, các trường hợp khám, tư vấn được siêu âm ổ bụng miễn phí. Đặc biệt, chương trình miễn phí nội soi dạ dày không sinh thiết (có gây mê) cho 15 người đầu tiên đến đăng ký.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn