MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các giải chạy bộ nên chọn vào buổi sáng sớm, thời tiết đẹp, mát mẻ. Ảnh: Yến Phương

VĐV tử vong tại giải chạy và lời cảnh báo khi phong trào chạy bộ tăng mạnh

YẾN PHƯƠNG LDO | 27/03/2024 06:10

Từ vụ việc đáng tiếc của vận động viên (VĐV) tham gia giải chạy bị tử vong, bác sĩ đưa ra lời cảnh báo khi phong trào chạy bộ đang ngày càng nở rộ, nhất là trong thời tiết thất thường hiện nay.

Hiện nay, phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành và thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia.

Chỉ riêng tại TP Cần Thơ, môn thể thao này luôn dành được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng. Điển hình, giải việt dã vào ngày 24.3 vừa rồi thu hút hơn 2.000 VĐV tham gia. Khoảng giữa tháng 4 tới đây sẽ diễn ra giải chạy marathon kết hợp âm nhạc, dự kiến 5.000 VĐV tham gia tranh tài. Những cuộc thi chạy bộ này giúp rèn luyện, nâng cao sức khỏe của các VĐV, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục, thể thao trong quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay không ít VĐV chủ quan, không tìm hiểu kĩ và lượng sức mình trước khi đăng kí tham gia. Đồng thời, ban tổ chức các giải chạy cũng chưa có các bước kiểm tra y tế toàn diện để kiểm soát được các vấn đề về sức khỏe như tim mạch, huyết áp… của các VĐV, dẫn đến khả năng gây ra những vụ việc đáng tiếc.

Mới đây, sự cố xảy ra khi một VĐV tham gia giải chạy Vietnam Ultra Marathon vào ngày 23.3 (tỉnh Hòa Bình) có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe, ngất xỉu trên đường chạy và sau đó đã tử vong.

Trước đó, vào đầu tháng 3, một nam sinh lớp 9 (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng tím tái rồi tử vong sau khi tham gia nội dung chạy 200m tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện.

Thực tế, trên cả nước đã ghi nhận không ít trường hợp tử vong khi tham gia các giải chạy, hoạt động thể thao, đối với cả học sinh và người lớn.

Phong trào chạy bộ phát triển mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: Yến Phương

Chia sẻ với Báo Lao Động, Ths.Bs Nguyễn Văn Phong - Trưởng khoa Nội thần kinh Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết, khi chúng ta gắng sức quá mức trong chạy bộ hoặc trong các cuộc đua thể thao có tính đối kháng, hầu hết cơ quan trong cơ thể đều phải vận động trên mức bình thường, toàn bộ chuyển hóa của cơ thể tăng lên, nhịp tim tăng, huyết áp tăng,… điều này chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đột tử.

Cùng với đó, đối với những người có các bệnh nền tiềm ẩn về tim mạch, rối loạn nhịp tim, bệnh lý van tim, thiếu máu cục bộ,… lúc bình thường không bộc lộ ra ngoài, nhưng khi gắng sức, cơ thể phải hoạt động nhiều hơn nên rất nguy hiểm.

Ví dụ, những bệnh nhân có túi phình ở mạch máu não, lúc hoạt động bình thường thì túi phình ổn định, nhưng khi chạy bộ, huyết áp tăng lên, chuyển hóa tăng, sự tập trung tăng… thì túi phình đó sẽ có nguy cơ vỡ gây ra đột tử.

“Nguy hiểm hơn, nếu gắng sức chạy dưới thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, nhịp tim tăng kết hợp với mất nước, mất mồ hôi nhiều sẽ gây ra rối loại nhịp tim hoặc ngưng tim bất cứ lúc nào”, bác sĩ Phong cảnh báo.

Trước tình hình phong trào chạy bộ nở rộ hiện nay, Ths.Bs Nguyễn Văn Phong khuyến cáo, nếu tham gia những giải chạy phong trào, tính cạnh tranh và đối kháng không cao, ban tổ chức nên chọn vào buổi sáng sớm, thời tiết đẹp, mát mẻ để tổ chức giải. Đồng thời, cần phải kiểm tra đảm bảo an toàn về sức khỏe, thể lực, cung cấp đủ nước trong quá trình thi cho các VĐV.

Bên cạnh đó, những người tham gia phong trào chạy bộ cần phải kiểm tra tình trạng sức khỏe trước, tìm hiểu về kỹ thuật chạy, nhất là phải biết tự lượng sức mình để đăng ký cự ly chạy phù hợp, không được quá gắng sức khi thấy cơ thể mệt mỏi hoặc có dấu hiệu bất thường.

Riêng với những người có bệnh lý nền, cần hạn chế tham gia các giải chạy, còn nếu tham gia thì chỉ ở mức phong trào, thay vì chạy bộ thì có thể đi bộ nhẹ nhàng, đồng hành cùng mọi người, cổ vũ để đẩy tinh thần thể dục, thể thao trong cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn