MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vi khuẩn kháng kháng sinh. Ảnh minh họa

Vi khuẩn đã kháng lại "vũ khí cuối cùng để điều trị"

H.Giang LDO | 12/04/2019 12:18

Tại Việt Nam, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao và đã có trường hợp mắc vi khuẩn đa kháng, kháng mở rộng, toàn kháng. 

PGS.TS Đoàn Mai Phương - Nguyên Trưởng khoa Vi sinh Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: "Vi khuẩn kháng kháng sinh đang là mối quan tâm của cả thế giới. 10 năm qua, chỉ có một vài kháng sinh được ra đời, trong khi đó tỉ lệ kháng kháng sinh đang tăng, tại một số nước tăng không thể kiểm soát”.

Các chuyên gia cảnh báo, thiệt hại về kinh tế và con người do mối đe dọa toàn cầu này sẽ còn nặng nề hơn ở các nước có thu nhập trung bình và thấp (LMICs). Ước tính có 700 nghìn người thiệt mạng hàng năm trên toàn thế giới do kháng thuốc. Đến năm 2050, con số này có thể sẽ tăng lên đến 10 triệu người.

TS Phương cho hay hiện nay có nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh, trong đó đặc biệt là vi khuẩn E.coli kháng kháng sinh Carbapenem - một loại kháng sinh được coi là vũ khí cuối cùng để điều trị.

“Tỉ lệ kháng kháng sinh của con vi khuẩn này đang tăng 30- 40%. Nếu chúng ta không kiểm soát thì việc lan truyền giữa con vi khuẩn này với con vi khuẩn khác, lan truyền gen đề kháng kháng sinh Carbapenem sẽ tăng lên nhanh chóng”, TS Phương nói.

Tại Việt Nam, tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao và đã có trường hợp mắc vi khuẩn đa kháng, kháng mở rộng, toàn kháng. Lúc đó, các bác sĩ không còn kháng sinh điều trị, chỉ hy vọng vào sức đề kháng của bệnh nhân có chống đỡ được với loại vi khuẩn này.

Theo TS Phương, trong tương lai, thế giới có thể hạn chế gia tăng vi khuẩn kháng thuốc dựa tên bằng chứng khoa học của phòng xét nghiệm vi sinh.

“Bác sĩ dựa vào kháng sinh đồ sẽ cách ly bệnh nhân, phòng chống không cho vi khuẩn lây lan thì mức độ kháng kháng sinh không lan rộng. Chúng ta duy trì mức độ đề kháng giảm xuống, sau đó kéo dài tuổi thọ của kháng sinh đang có, bảo vệ kháng sinh trong tương lai cho con cháu”, TS Phương nói.

Theo TS Đoàn Mai Phương, muốn biết vi khuẩn có thực sự kháng kháng sinh hay không hay do sử dụng liều không đúng thì chỉ phòng xét nghiệm vi sinh mới trả lời được qua làm kháng sinh đồ. Phòng xét nghiệm làm kháng sinh đồ sẽ trả lời kết quả cho bác sĩ và bác sĩ có biện pháp cách ly bệnh nhân, không làm cho lây lan giữa bệnh nhân này với bệnh nhân khác.

Mới đây, 12 học viên đến từ các bệnh viện lớn của 3 miền Việt Nam, và Trường y Government Medical College, Aurangabad, Ấn Độ đã được tham gia khóa Đào tạo đánh giá viên đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm kháng kháng sinh bằng AMR Scorecard do Bệnh viện Bạch Mai, BD (Becton, Dickinson and Company) và Foundation for Innovative New Diagnostics (FIND) tại Việt Nam tổ chức. 

Khóa học này đã cung cấp công cụ mới, giúp phòng xét nghiệm vi sinh nâng cao năng lực chuẩn hóa theo bảng điểm có sẵn để đánh giá phòng xét nghiệm vi sinh đang nằm ở mức độ nào.

Để từ đó, các cơ sở y tế đưa ra hướng cải tiến chất lượng phòng xét nghiệm theo mức hoàn thiện nhất - mức 5 theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế và tiến tới đạt chất lượng ISO 15189. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn