MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế xã Quỳnh Trang- Quỳnh Phụ- Thái Bình. Ảnh: Thùy Linh

Vì sao người dân không "mặn mà" khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở?

Thùy Linh LDO | 06/07/2018 14:54
Quỹ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) hiện giao cho trạm y tế (TYT) thấp, không đủ để chi cho KCB BHYT, chi chỉ không quá 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú - quy định tại Thông tư 41/2014/TT-BYT-BTC. 

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến y tế cơ sở do Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức ngày 6.7.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, y tế cơ sở có vai trò tích cực, có mô hình mạng lưới rộng lớn và thực hiện tốt vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, Quỹ KCB BHYT hiện giao cho trạm y tế thấp (không quá 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú – quy định tại Thông tư 41/2014/TT-BYT-BTC) không đủ để chi cho KCB BHYT, dẫn đến một số loại bệnh TYT xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm. Quy định này làm hạn chế phạm vi và phát triển chuyên môn kỹ thuật của TYT xã. Đặc biệt, từ khi có chính sách thông tuyến, KCB BHYT tại TYT xã giảm.

Bộ trưởng Y tế phân tích nghịch lý: Tại tuyến Trung ương, tỷ lệ người đến khám chỉ 3,1% nhưng chi phí 20% tổng chi quỹ KCB BHYT. Tại tuyến tỉnh/thành phố chiếm 25% bệnh nhân nhưng chiếm 25,6% tổng chi quỹ KCB BHYT.

“Chỉ riêng tại tuyến Trung ương và tỉnh/thành phố, số người đến khám chỉ 28,7% nhưng chi phí lên tới 67,3% tổng chi quỹ KCB BHYT. Trong khi đó, tuyến huyện khám tới 51,4% số lượt bệnh nhân nhưng chi phí chỉ 29,8% và con số này tại tuyến xã chi phí còn thấp hơn nữa, chỉ 2,7% tổng chi quỹ KCB BHYT trong khi tỷ lệ người dân đến khám chiếm gần 20%”, Bộ trưởng Tiến nói.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tổng số TYT xã KCB BHYT đến nay là 9.821 với số thẻ đăng ký BHYT ban đầu là 21,5 triệu, chiếm khoảng 1/4 số người tham gia BHYT (86,9%).

Lãnh đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: BYT

Tuy nhiên, chính sách thông tuyến đang tạo ra thực trạng số người KCB BHYT tại tuyến xã có xu hướng giảm. Năm 2014, tỷ lệ KCB BHYT tại tuyến xã chiếm 28,3% nhưng đến 2017 chỉ còn 19,9% và giảm xuống 18,5% trong sáu tháng đầu năm 2018. Trong khi đó, KCB BHYT tại tuyến huyện gia tăng, từ 43,2% (2015) lên 52% (6 tháng đầu năm 2018). “Với tình trạng này, nếu TYT xã không được đầu tư tốt thì người dân sẽ lên tuyến trên để điều trị và TYT sẽ không phát triển được”, bà Minh nói.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở, cần thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản; quản lý các bệnh mãn tính tại TYT xã; gắn hoạt động quản lý sức khỏe tại TYT xã với hoạt động của bác sĩ gia đình.

Đặc biệt, cần có cơ chế linh hoạt đối với y tế cơ sở theo năng lực cung cấp dịch vụ y tế, số lượng người bệnh BHYT đến KCB, bỏ quy định giao quỹ KCB cho TYT tối đa bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn