MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao người mắc viêm mũi dị ứng không nên ăn hải sản?

ĐẶNG XUÂN THẮNG (SINH VIÊN ĐẠI HỌC Y DƯỢC, ĐẠI HỌC DUY TÂN ĐÀ NẴNG) LDO | 19/04/2022 15:39
Ở người bình thường, hệ thống miễn dịch có vai trò chống lại những tác nhân gây hại cho cơ thể như vi khuẩn, virus. 

Tuy nhiên, ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch lại phản ứng quá mức đối với những thành phần hầu như vô hại (được gọi là kháng nguyên) với cơ thể như phấn hoa, lông thú vật, bụi... gây ra phản ứng viêm và kích thích, gọi là phản ứng dị ứng ở lớp niêm mạc phủ trên bề mặt mũi, mắt và các xoang.

Viêm mũi dị ứng là hiện tượng mũi bị viêm, sưng tấy do dị ứng với các tác nhân trong và ngoài cơ thể như: Khói, bụi, lông tơ, thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, áp suất không khí. Bệnh thường gặp ở người trong độ tuổi 21 - 30. Căn bệnh này làm ảnh hưởng tới cả sức khỏe, tâm lý và cả chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Chính vì bắt nguồn từ việc cơ thể phản kháng lại các dị nguyên gây dị ứng thông qua đường thở mũi. Nếu sử dụng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng sẽ làm tăng phản ứng dị ứng làm triệu chứng viêm mũi dị ứng trầm trọng hơn, phát ban trở nên rầm rộ hơn.

Để tránh làm bệnh viêm mũi dị ứng trở nên nặng hơn thì người bệnh không nên sử dụng một số nhóm thực phẩm, bao gồm:

Thức ăn có tính lạnh, béo và tanh như hải sản (như tôm, cua, cá biển, ốc, mực, hải sâm). Đây là thực phẩm chứa nhiều protein lạ dễ gây dị ứng. Thịt mỡ cũng có thể làm cổ họng của người bệnh khó chịu. Thịt gà thuộc tính phong lạnh, có thể làm tăng tình trạng dị ứng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên uống nước lạnh, kem, đá lạnh,... vì chúng gây tăng kích thích (ho, hắt hơi, chảy nước mũi…).

Đồ ăn cay nóng. Các loại gia vị cay nóng như ớt, tiêu,... có thể khiến bệnh nhân viêm mũi dị ứng bị ngứa mũi, hắt xì liên tục. Bên cạnh đó, đồ ăn cay nóng cũng dễ khiến axit dạ dày trào lên trên cổ, gây ảnh hưởng xấu tới tai - mũi - họng.

Đồ uống có cồn, chất kích thích: đối với người bị  viêm mũi dị ứng, thực  phẩm có chứa cồn hay chất kích thích có thể tác động làm vết thương lâu lành hơn, kích thích niêm mạc mũi chảy dịch nhiều khiến bệnh viêm xoang mũi trở nên nghiêm trọng.

Nhộng tằm, côn trùng, nấm: Những thực phẩm này cũng dễ gây dị ứng. Thịt bò chứa hàm lượng protein cao nhưng cũng là thực phẩm dễ gây dị ứng nên bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng.

Bệnh nhân viêm mũi dị ứng nên ăn gì?

Rau, củ quả giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Vitamin C có trong ớt chuông, cherry, cà rốt, bưởi, khế,... rất tốt cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, cam, táo, nước ép cà chua với hàm lượng chất chống oxy hóa cao cũng giúp chống lại bệnh viêm mũi dị ứng và hen suyễn hiệu quả.

Món ăn giàu Omega-3. Cá hồi, cá mòi, cá nục,... là nhóm thực phẩm giàu chất béo Omega-3 có tác dụng ngăn ngừa những phản ứng sưng tấy trên đường hô hấp.

Thực phẩm có tính ấm. Các loại gia vị như hành, tỏi, gừng,... có tính ấm đều chứa nhiều chất kháng sinh có tác dụng phòng ngừa viêm mũi dị ứng và viêm xoang hữu hiệu.

Gia vị có tinh dầu. Các cây gia vị có tinh dầu như bạc hà, rau mùi, rau ngổ,... có tác dụng rất tốt đối với người bệnh viêm mũi dị ứng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn