MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xét nghiệm mắc COVID-19. Ảnh: Tô Thế

Vì sao nhân viên Cty Trường Sinh dương tính với SARS-CoV-2 trở lại?

Lệ Hà - Phạm Dung LDO | 19/04/2020 15:52

Bệnh nhân 188 là nhân viên Công ty Trường Sinh có kết quả xét nghiệm dương tính lại với SARS-CoV-2 sau khi được công bố khỏi bệnh hôm 16.4. Tại sao bệnh nhân dương tính lại với SARS-CoV-2 sau khi đã xuất viện?

GS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng: Các chuyên gia đã tìm hiểu và đưa ra nhiều giả thuyết về hiện tượng đã âm tính khi làm xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime-PCR rồi sau đó một thời gian lại xuất hiện dương tính trở lại.

Nhiều nguyên nhân khá thuyết phục nhưng theo tôi cần lưu ý một nguyên nhân rất đơn giản đó là kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm.

Nếu ai đã từng lấy mẫu xét nghiệm đều biết khó chịu thế nào khi bị cái que ngoáy sâu vào mũi để lấy dịch tỵ hầu.

Chúng ta cần biết rằng, việc lấy mẫu chính xác sẽ quyết định tỉ lệ âm tính giả của xét nghiệm. Nếu chúng ta "ngoáy" không đủ sâu, để không đủ lâu thì bệnh phẩm chưa chắc đã bắt được dấu vết của virus. Không phải ngẫu nhiên tiêu chuẩn khỏi bệnh là nhiều lần âm tính bằng kỹ thuật Realtime-PCR.

Theo PGS.TS.BS Lê Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu Độc học và Phóng xạ (Học viện Quân y): Xét nghiệm Realtime-PCR là xét nghiệm sinh học phân tử tìm vật liệu di truyền của virus. Đây là xét nghiệm phát hiện trực tiếp của virus trong mẫu bệnh phẩm.

Nếu cho kết quả dương tính có thể khẳng định chắc chắn có virus ở đó (vì các bệnh nhân được xét nghiệm lại nhiều lần nên loại trừ khả năng dương tính giả). Nếu âm tính thì có thể sạch virus thực thụ hoặc lượng virus thấp dưới ngưỡng phát hiện của xét nghiệm đó.

Cũng theo PGS.TS.BS Lê Văn Đông, yếu tố làm cho virus tái xuất hiện ở mẫu bệnh phẩm có thể: 

- Tái nhiễm: Đang ở trong bệnh viện hay khu cách ly xảy ra hiện tượng nhiễm chéo (điều này ít khả năng) vì các cơ sở y tế kiểm soát tốt.

- Tái phát: Các kết quả xét nghiệm lần trước chuyển từ dương tính thành âm tính là do lượng virus từ nhiều thành ít đến dưới ngưỡng phát hiện của xét nghiệm chứ không phải là sạch virus.

Mẫu bệnh phẩm đó âm tính thực sự nhưng virus còn tồn tại ở những vị trí khác trong cơ thể (còn ít nhưng ở sâu dưới nhu mô phổi, trong máu, trong các mô khác – đặc biệt là trong các hạch lympho là thành phần của hệ miễn dịch.

Giải pháp không chỉ xét nghiệm dịch đường hô hấp trên mà còn cả đường hô hấp dưới, máu và còn tình huống virus ở trong các mô (khó làm với người sống).

Từ thực tế này cho ta các thông tin rất quan trọng  đó là: Các bệnh nhân đã “khỏi bệnh” tức là từ có biểu hiện lâm sàng thành hết biểu hiện lâm sàng và kết quả xét nghiệm Realtime-PCR chuyển từ dương tính thành âm tính (kể cả âm tính  nhiều lần liên tiếp) nhưng thực sự chưa làm sạch được virus ra khỏi cơ thể.

Việc giảm lượng virus trong cơ thể có thể là kết quả của phác đồ điều trị thuốc ức chế virus hoặc tăng khả năng đề kháng đặc hiệu diệt virus. Dù của từng yếu tố đơn lẻ hay cả hai thì vẫn cho ra các cảnh báo quan trọng sau:

- Các phác đồ điều trị bằng thuốc được cho là có khả năng kháng SARS-CoV-2 hiện nay mới chỉ ức chế được virus chưa chưa diệt được virus như kiểu tác dụng của thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn.

- Khả năng miễn dịch của cơ thể không đủ mạnh và hoặc bền vững để loại bỏ hết virus ra khỏi cơ thể. Cơ thể sinh ra kháng thể (xét nghiệm kháng thể ở bệnh nhân có kết quả dương tính bằng xét nghiệm huyết thanh học tìm kháng thể) nhưng kháng thể cũng chỉ loại bỏ được virus ở bên ngoài tế bào (bao gồm cả trong máu và trong dịch tiết của niêm mạc đường hô hấp) nhưng chưa tiêu diệt được virus bên trong các tế bào.

"Chắc chắn các bệnh viện có tình trạng khỏi bệnh rồi dương tính trở lại dù là tái nhiễm hay tái phát cũng phải tiếp tục cách ly và điều trị.

Với các bệnh nhân đang điều trị có thể phải xem xét lại tiêu chí “khỏi bệnh”, trong đó, đặc biệt lưu ý đến kết quả xét nghiệm. Khi làm xét nghiệm Realtime-PCR tìm virus phải xét nghiệm nhiều loại bệnh phẩm hơn, xét nghiệm trong một khoảng thời gian dài hơn không chỉ 3 ngày liên tiếp mà giãn cách thời gian ra rộng hơn, sử dụng các loại xét nghiệm Realtime-PCR có độ nhạy cao hơn để phát hiện được lượng virus ít hơn.

Ngoài xét nghiệm tìm virus phải có thêm xét nghiệm huyết thanh đánh giá lượng kháng thể bảo vệ đã có chưa và đủ mạnh hay không",  PGS.TS.BS Lê Văn Đông cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn