MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: Nguyễn Hải

Vì sao số ca mắc COVID-19 tăng nhưng số ca tử vong có xu hướng giảm?

LAM CHI - PHÚC ĐẠT (THỰC HIỆN) LDO | 10/11/2021 15:15

THỪA THIÊN HUẾ - Tại sao Thừa Thiên Huế và một số tỉnh, thành liên tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng? Số ca mắc COVID-19 vẫn tăng nhưng số ca tử vong có xu hướng giảm, qua đó nói lên điều gì? 

Để giải đáp những câu hỏi trên, PV Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Đình Bình - chuyên gia về chống nhiễm khuẩn và vi sinh y học - tại Đại học Y - Dược (Đại học Huế).

Thưa PSG.TS Trần Đình Bình, trong thời gian vừa qua, Thừa Thiên Huế liên tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng dù tỉ lệ người được tiêm vaccine COVID-19 khá nhiều, theo PGS vì sao lại có tình trạng như vậy?

- Tính đến ngày 9.11, tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.391 ca F0. Đang điều trị 355 ca, đã được điều trị khỏi 1032 ca, tử vong 4 ca.

Trong những ngày qua, số lượng ca F0 trong cộng đồng trên địa bàn tăng do số lượng người trở về từ các địa phương vẫn còn nhiều. Hơn 60% các ca mắc mới ở trong các khu cách ly, khu phong tỏa.

Sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng thì lý do thực tế ngoài những nguồn từ người vùng dịch về nhiều, có thể là do: Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-TTg để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động như hội họp, học tập, khám chữa bệnh, lưu thông đang được “bình thường mới” nên nguy cơ tiếp xúc, lây lan gia tăng.

Tâm lý chủ quan, đặc biệt là những người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc đã tiêm 1 liều làm cho việc thực hiện 5K chưa thật sự nghiêm túc, có nơi, có lúc vẫn tụ tập đông người, không đủ giãn cách làm tăng mức độ lây lan.

Một số người là nguồn dịch tễ, họ đã thiếu trung thực hoặc không nhớ hết lịch trình di chuyển, tiếp xúc, đặc biệt là không khai báo làm cho nguy cơ lây lan mà không rõ nguồn lây, gây khó khăn thêm cho việc truy vết. 

Các mạng lưới y tế xã, phường, y tế thôn bản chưa thật sự chủ động trong việc giám sát. Đặc biệt với nhóm giám sát y tế tại nhà, theo dõi sức khỏe tại nhà, đây là nguồn lây rất đáng lo ngại. Vì vậy, các địa bàn triển khai các biện pháp giám sát y tế tại nhà, thực hiện xét nghiệm tại chỗ (tới nhà lấy mẫu, không để người được giám sát đi lại lấy mẫu), tăng cường vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ của trạm y tế, nhân viên y tế địa bàn để việc "dập dịch" đạt hiệu quả cao nhất.

Việc tăng cường xét nghiệm tầm soát diện rộng, sàng lọc rộng rãi làm cho số người nghi nhiễm hoặc nhiễm tăng lên. Mặt khác, việc cách ly tập trung cũng bộc lộ sự bất cập khi có thể gây lây lan ngay trong cơ sở cách ly, cơ sở giám sát. Nhiều địa phương đang tránh nguy cơ này khi thực hiện cách ly y tế tự chọn có trả phí, cách ly y tế tại nhà.

PGS.TS Trần Đình Bình đang nghiên cứu tình hình mắc COVID-19 trên đối tượng trẻ em. Ảnh: LPL

Thưa PSG, thực tế hiện nay cho thấy, số ca mắc COVID-19 vẫn tăng nhưng số ca tử vong có xu hướng giảm, qua đó nói lên điều gì?

- Các bệnh nhiễm trùng nói chung sau khi gây dịch bệnh lây lan rộng, tử vong nhiều trong giai đoạn đầu, sau đó mức độ lây lan có thể vẫn gia tăng. Tuy nhiên, số ca tử vong sẽ giảm dần, và khi xem bệnh đó như là một bệnh đặc hữu thì dịch có thể xảy ra hàng năm, theo mùa như bệnh cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Đối với COVID-19, thực tế hiện nay cho thấy, số ca mắc COVID-19 vẫn tăng nhưng số ca tử vong có xu hướng giảm không riêng ở Việt Nam mà cả trên toàn cầu, lý do có thể là:

Khi số người mắc bệnh đã đạt mức đỉnh (nhiều nhất) thì số người bị nhiễm đã rất cao, họ có thể không có triệu chứng nhưng có đáp ứng miễn dịch với bệnh, hay nói cách khác là có miễn dịch cộng đồng, thì khả năng vẫn mang tác nhân gây bệnh (phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm diện rộng...) nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Thực tế hiện nay ở Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như vậy, hơn 90% các ca mắc mới không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

Với tỉ lệ tiêm chủng như hiện nay chúng ta có thể nghĩ đến miễn dịch cộng đồng hay chưa?

Tại Thừa Thiên Huế, theo số liệu của Sở Y tế, hiện có hơn 900 nghìn người đủ điều kiện được tiêm và cần hơn 1.801.400 liều vaccinne phòng COVID-19.

Cho đến nay, lượng vaccine được phân bổ về Thừa Thiên Huế chỉ gần 713.000 liều các loại (Astra Zenneca, Pfizer, Moderna và Vero Cell), dù đã triển khai tiêm chủng nhanh nhất nhưng mới chỉ khoảng 57% người trên 18 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm 1 mũi và gần 13% người được tiêm 2 mũi.

Kế hoạch của tỉnh là từ nay đến hết năm 2021, tỉ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 92%. Đến lúc đó, chúng ta có thể xem là đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Khi đó có thể COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu như cúm, sốt xuất huyết vậy. Có thể hàng năm có một lượng lớn người mắc nhưng nguy cơ nặng và tử vong sẽ thấp, không ảnh hưởng nhiều đến ngành y tế và cộng đồng nói chung.

Xin cảm ơn PGS.TS Trần Đình Bình!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn