MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bệnh nhân phải điều trị tại BV Bạch Mai do biến chứng của nhiễm virus viêm gan B. Ảnh: VNExpress

Viêm gan B "tiêu tốn" của người Việt 3000 tỉ đồng mỗi năm

T.Linh LDO | 26/04/2019 17:35
Một bệnh nhân mắc viêm gan B thường phải đối mặt với việc điều trị lâu dài, thậm chí đến hết đời với gánh nặng chi phí điều trị rất lớn.

Phát hiện mắc viêm gan B đến nay đã 10 năm, bà Nguyễn Thị D (47 tuổi, Hà Nam) đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: “Tôi nằm đây đến nay là gần 1 tháng, muốn xin về nhưng chưa được. Nằm đây, riêng tiền thuốc thang tiêm uống hàng ngày đã hơn 3 triệu, gia đình khó khăn nên không kham nổi ”.

Đây không phải là tình trạng của riêng bà D mà là vấn đề chung của hàng triệu người Việt khi phải điều trị căn bệnh viêm gan B.

Bác sĩ Đỗ Duy Cường- Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Một bệnh nhân mắc viêm gan B thường phải đối mặt với việc điều trị lâu dài, thậm chí đến hết đời với gánh nặng chi phí điều trị rất lớn.”

Thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm thấp, (chỉ đứng ở vị trí 49 toàn cầu) nhưng hàng năm, người Việt đang phải dành ra mức chi phí khổng lồ để khống chế căn bệnh viêm gan B. Có thể nói, chưa bao giờ, yêu cầu nhận thức đúng đắn, phòng ngừa hiệu quả sự lây lan căn bệnh này lại bức bối như hiện nay.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có khoảng hơn 15 triệu người mắc viêm gan B, trong đó, phần lớn là viêm gan B mạn tính. Người mắc viêm gan B mạn tính được chia thành 2 thể bệnh: thể người lành mang bệnh (hay còn gọi là viêm gan B thể ngủ) và viêm gan B thể hoạt động.

Theo GS.TS. TTND Nguyễn Văn Mùi- Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 103, chủ tịch hội đồng viết phác đồ điều trị viêm gan B áp dụng toàn quốc cho hay: Nếu virus “ngủ yên”, không nhân lên, bệnh không đáng lo ngại ngoài việc, người bệnh phải tầm soát bệnh thường xuyên, duy trì lối sinh hoạt khoa học. Khi virus ở thể hoạt động, gây ra tổn thương tế bào gan, người bệnh buộc phải điều trị tích cực theo phác đồ với thuốc nhằm kìm hãm sự phát triển của virus viêm gan, ngăn chặn nguy cơ biến chứng thành xơ gan hoặc ung thư gan.

Những bệnh nhân phải sử dụng thuốc kháng virus phải bỏ ra trung bình từ 4 đến 15 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 60-200 triệu mỗi năm, để điều trị nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của virus đến gan, chưa kể đến chi phí cho các xét nghiệm liên quan.

Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam năm 2018 chỉ đạt mức 58,5 triệu đồng. Với hơn 8 triệu ca mắc viêm gan B mạn tính, mỗi năm, hơn 3000 tỉ đồng của người Việt đã “không cánh mà bay”.

BS Đỗ Duy Cường cho hay, căn bệnh này hiện vẫn chưa có giải pháp chữa dứt điểm. Các loại thuốc kháng virus chỉ có tác dụng kìm hãm sự nhân lên của virus mà không có khả năng tiêu diệt loại virus này. Chính vì vậy, người mắc viêm gan B thường phải chấp nhận thời gian điều trị kéo dài, có thể là 1-2 năm, thậm chí lên đến vài chục năm hoặc cả đời.

Để giảm đi chi phí điều trị viêm gan B, điều quan trọng bậc nhất là phải nâng cao được nhận thức của toàn dân về bệnh, từ đó ngăn chặn sự lây lan của bệnh cũng như giúp người dân điều trị bệnh hiệu quả hơn. Mới đây, Hội Gan mật Việt Nam cũng tiếp tục đưa ra lời kêu gọi: “Toàn dân chung tay đánh gục virus viêm gan”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn