MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giữ ấm cho trẻ và đảm bảo dinh dưỡng cân bằng rất quan trọng để chăm sóc trẻ ngày lạnh, tránh bị ốm. Đồ họa: Hương Giang

Viêm phế quản, bệnh trẻ dễ mắc thời điểm giao mùa

Hà Lê LDO | 30/11/2023 19:30

Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ em, bất kể ở lứa tuổi và thời tiết nào. Trẻ ở thành thị cũng như ở các nơi tập trung dân cư đông đúc thì tỉ lệ mắc bệnh còn cao hơn.

Nhiều nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc viêm phế quản

Bác sĩ Hà Tố Như - chuyên khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện An Việt) cho biết, thời gian qua, số trẻ nhập viện vì bệnh viêm phế quản có chiều hướng gia tăng. Nhiều trẻ nhập viện khi tình trạng đã trở nặng.

Viêm phế quản là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhất là vào mùa đông. Bệnh có thể do virus, vi khuẩn hoặc các nguyên nhân khác như dị ứng, trào ngược, nấm, thay đổi thời tiết... Virus được coi là nguyên nhân trẻ bị viêm phế quản, dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn. Phổ biến nhất bao gồm các loại vi khuẩn như phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn…

Bác sĩ Hà Tố Như thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Hải Phạm

Những vi khuẩn này sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn ở mũi, họng khi có điều kiện thuận lợi như sức đề kháng cơ thể thuyên giảm, sống trong môi trường ô nhiễm, thời tiết đột ngột trở lạnh, sau khi trẻ mắc các chứng bệnh viêm hệ tai mũi họng như ho, cảm lạnh, sổ mũi, viêm xoang… và gây ra bệnh.

Virus sẽ có thể ảnh hưởng tới cuống phổi của trẻ nếu cha mẹ cho trẻ sử dụng kháng sinh tùy ý, hoặc sức khỏe của trẻ yếu, làm khả năng đề kháng của trẻ bị ảnh hưởng. Lúc này, khí quản của trẻ sẽ bị sưng phồng, có màu đỏ, có dịch nhầy trong phổi. Trẻ sẽ ho nhiều và khó thở vì đường thở bị viêm và có dịch nhầy như vậy.

Nếu trẻ thường xuyên hít phải bụi bẩn, khói xăng xe, thuốc lá hay một số hơi độc, tắm quá lâu, tắm nước quá lạnh, ngồi điều hòa hoặc đứng trước máy lạnh sai cách cũng sẽ làm tăng nguy cơ bé bị viêm phế quản.

"Cũng giống như các bệnh lý tai mũi họng khác, trẻ bị viêm phế quản thường có các triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi... Khi xuất hiện các triệu chứng như sốt không dứt, nôn ói, thở nhanh... thì cần đưa trẻ tới bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Trẻ sơ sinh bị viêm phế quản rất phổ biến nhưng lại không có triệu chứng nào rõ ràng. Các bậc phụ huynh cần để ý các dấu hiệu khởi phát là trẻ bú ít, bỏ bú, khóc vì khó thở, chán ăn, nôn trớ, đau ngực… Ho nhiều và khó thở sẽ xảy ra nhiều khi trẻ bị viêm phế quản bởi bệnh này khiến đường thở bị viêm và tiết dịch nhầy. Nếu thấy trẻ xuất hiện sốt kèm ho kéo dài tới tuần thứ 2 thì chắc chắn trẻ đã bị viêm phế quản", bác sĩ Hà Tố Như cho biết thêm.

Biến chứng của viêm phế quản

Viêm phế quản thông thường có thể khỏi sau 5-7 ngày nhưng nếu không được điều trị tốt có thể dẫn tới các biến chứng như tái phát nhiều lần, các ổ viêm nhiễm ở phế quản không được điều trị đầy đủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho viêm phổi, viêm giãn phế quản, viêm phế quản mạn tính, suy hô hấp cấp...

Bác sĩ Hà Tố Như lưu ý cha mẹ khi chăm sóc cần theo dõi triệu chứng của trẻ ngay khi bệnh khởi phát cho tới khi điều trị hoàn toàn: Vệ sinh mũi cho trẻ; giữ ấm cơ thể cho trẻ; không lạm dụng thuốc kháng sinh, không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ...

Ngoài ra, theo bác sĩ Hà Tố Như, cha mẹ hãy xây dựng cho trẻ một chế độ dinh dưỡng phù hợp để trẻ nhanh khỏi bệnh như: Cho trẻ ăn thức ăn nhạt, các loại thức ăn lỏng như cháo, súp và bổ sung vào thực đơn các loại trái cây cũng như rau xanh để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn