MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên toà xét xử đã bước sang ngày thứ 11

Viện kiểm sát đề nghị trả lại hồ sơ vụ tai biến chạy thận để điều tra bổ sung

L.Hà LDO | 29/05/2018 18:43
Chiều 29.5, hội đồng xét xử sơ thẩm tai biến chạy thận tại tỉnh Hoà Bình kết thúc phần hỏi và chuyển sang tranh luận. Sau khi phản bác lại bào chữa của các luật sư, Viện kiểm sát đề nghị trả lại hồ sơ vụ án, điều tra bổ sung.

Thời điểm đề nghị của Viện kiểm sát vừa đưa ra đã là 18h. Hội đồng xét xử không đưa ra ý kiến gì về đề nghị trên và tuyên bố sáng 30.5, toà tiếp tục làm việc.

Viện kiểm sát đã đưa ra lý lẽ phản bác các luật sư bào chữa. Theo đó, bị cáo Hoàng Công Lương có 2 lời khai khác nhau nên Viện kiểm sát đã cho bị cáo Lương xem biên bản cuộc họp, không có việc mớm cung. "Những lời khai thay đổi tại phiên tòa là không đúng sự thật khách quan, nên chúng tôi không sử dụng. Chúng tôi chỉ sử dụng những lời khai phù hợp với nội dung vụ án", đại diện Viện kiểm sát nói.

Viện kiểm sát lập luận: Về các hành vi phạm tội của bị cáo Lương, các luật sư cho rằng bị cáo Lương vô tội, về vấn đề này, chúng tôi khẳng định đúng theo những gì mà những người liên quan đã khai, bằng tài liệu có trong hồ sơ và diễn biến phiên tòa. Việc những người liên quan thay đổi lời khai không đủ căn cứ. Chúng tôi không đồng ý với nguyên tắc suy đoán vô tội.

Việc ông Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc BV đa khoa tỉnh Hoà Bình, được giao nhiệm vụ cho bị cáo Lương hay không, Viện kiểm sát khẳng định: "Ông Khiếu được giao nhiệm vụ cho BS Hoàng Công Lương vì thực tế Lương là người ra y lệnh cuối cùng. Lương không phải là người phải chịu trách nhiệm về nguồn nước và trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, trưởng khoa lọc máu phải chịu trách nhiệm về nguồn nước trước khi đưa vào lọc thận".

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, cho rằng cần đánh giá, xem xét kỹ lời khai nhận mình được giao nhiệm vụ của bị cáo Hoàng Công Lương. Lời khai đó có thể gây nhầm lẫn về chức trách nhiệm vụ. Những lời khai của BS Hoàng Công Lương chỉ thể hiện việc được giao nhiệm vụ chuyên môn.

"Liên quan đến những nội dung trực tiếp mà Viện kiểm sát buộc bị cáo Lương, căn cứ thực tế và nguyên nhân thực tế, nguyên nhân gián tiếp, chúng tôi xác định rằng cần phải xem xét 9 nguyên nhân: Nguyên đơn thận nhân tạo tới thời điểm này; Lắp đặt hệ thống RO không có sơ đồ, không có hướng dẫn sử dụng; Người tiến hành sửa chữa không có chuyên môn: Thời điểm trước khi xảy ra sự cố chưa có quy định và quy trình nào về việc sửa hệ thống RO, chỉ là kinh nghiệm và truyền kinh nghiệm bằng mồm, đến tháng 4.2018 mới ban hành; Người chịu trách nhiệm sửa lại không có hiểu biết cần thiết về hóa chất hệ thống lọc nước RO; Không được sử dụng thiết bị đó thường xuyên; Nhân viên sửa chữa chỉ đo bằng đồng hồ, và diễn ra nhiều lần, nhiều năm tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình; Kiểm tra giám sát không được thực hiện; Không có quy trình bàn giao, chỉ thông qua miệng để bác sĩ ra y lệnh.

Sau khi đưa ra lập luận, đại diện Viện kiểm sát xác định đây là tình tiết mới cần điều tra bổ sung, do vậy Viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử xem xét trả hồ sơ bổ sung.

Đại diện Bộ Y tế tiếp tục lên tiếng

Chiều 29.5, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đại diện Bộ Y tế có mặt tại phiên toà để trả lời những câu hỏi của hội đồng xét xử và các luật sư. 

Ông Nguyễn Huy Quang là người ký 2 công văn của Bộ Y tế, gồm Công văn 4342 ngày 2.8.2017 gửi Cơ quan cơ quan điều tra (Công an tỉnh Hòa Bình) và công văn số 2322 ngày 27/.4.2018 gửi Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương).

Ông Nguyễn Huy Quang trình bày trước hội đồng xét xử về việc ký công văn, kỹ thuật lọc máu, có quyết định những bằng chứng liên quan đến lọc thận nhân tạo. "Chúng tôi khẳng định Bộ Y tế có đủ văn bản về vấn đề lọc thận nhân tạo".

Ông Quang cho biết thêm, bộ xét nghiệm AAMI bao gồm 25 tiêu chí, nếu hợp đồng có giao kết phải xét nghiệm AAMI thì bắt buộc phải thực hiện theo hợp đồng. Trong Tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ KH&CN ban hành có khuyến cáo. Nhưng việc thực hiện phải có các điều khoản cụ thể trong việc sử dụng tiêu chuẩn AAMI như thế nào.

“Công văn trên tôi là người ký thừa lệnh Bộ trưởng và nhân danh Bộ Y tế. Tất cả các văn bản tôi đều trình Bộ trưởng”, ông Nguyễn Huy Quang nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn