MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghiên cứu về máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: Công Thắng

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực Huyết học - Truyền máu

Hà Lê LDO | 24/11/2022 15:47

Ngày 24.11.2022, Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc năm 2022 đã khai mạc tại Hà Nội. 

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Hội nghị là dịp để các nhà khoa học, cán bộ trong toàn ngành được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, báo cáo những kết quả nghiên cứu khoa học, cập nhật thêm những kỹ thuật mới, tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh máu và đảm bảo nguồn máu an toàn, kịp thời trên toàn quốc”.

Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc năm 2022. Ảnh: Trần Chiến

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, công tác vận động, tổ chức hiến máu đã đứng trước những thử thách rất lớn, có những thời điểm đe dọa nghiêm trọng đến việc đảm bảo nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị. Trước tình hình đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã xác định cần đảm bảo công tác tiếp nhận và cung cấp máu trong thời điểm chống dịch với tiêu chí 3A: Đó là An toàn cho người hiến máu, An toàn cho người bệnh nhận máu và An toàn cho nhân viên y tế.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh: “Trong những năm vừa qua, ngành Huyết học – Truyền máu đã có những bước tiến rất nhanh, hiện nay chúng đã đã làm được đa phần những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và trên thế giới đang thực hiện như điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân, có những chương trình phòng bệnh tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh mắc các bệnh máu di truyền”.

Cụ thể, Việt Nam đã ứng dụng các tiến bộ của thế giới về thuốc nhắm đích trong điều trị ung thư máu; thực hiện thành công khảo sát dịch tễ về tan máu bẩm sinh trên toàn quốc và phối hợp thực hiện chương trình tầm soát gen bệnh, tiến tới giảm dần số trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh tại một số địa phương…; phát triển liên tục trong hoạt động ghép tế bào gốc, chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho nhiều bệnh viện tại các tỉnh, thành phố…

Về lĩnh vực di truyền – sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gen ở bệnh ung thư máu, Thalassemia, Hemophilia… góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền.

Hội nghị lần này có sự tham dự của gần 1.500 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Bỉ, Singapore và các nhà khoa học trong nước là chuyên gia đầu ngành về Huyết học - Truyền máu Việt Nam, bác sĩ, dược sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng đến từ các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn