MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Việt Nam: Quản lý thuốc lá mới sao cho hiệu quả?

Thái Anh LDO | 10/08/2022 17:12

Thuốc lá không khói đã được nhiều quốc gia đưa vào quản lý dưới luật hơn một thập kỷ. Ở Việt Nam, dù đã xuất hiện từ vài năm nay nhưng các sản phẩm này vẫn đang được "vô tư" nằm ngoài vòng luật pháp, gây nhiều hệ lụy khó lường. Các chuyên gia cho rằng, trong chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn diện, Việt Nam sẽ bước lùi nếu chưa đưa các dạng thuốc lá mới này vào kiểm soát bằng luật.

Tham khảo chính sách quản lý từ các quốc gia tiên phong

Hoa Kỳ, Anh, Thụy Điển, Na Uy,… được xem là các quốc gia tiên phong trong việc sớm nghiên cứu, đánh giá và đưa vào quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói đã qua kiểm nghiệm khoa học. Được biết, hướng đi mà các quốc gia có nền kinh tế phát triển này đang hướng tới là giảm con số tử vong và gánh nặng ngân sách xã hội trong việc điều trị cho bệnh nhân với các bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá.

Xác định thuốc lá điếu đốt cháy là sản phẩm gây hại cao nhất, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép kinh doanh cho các sản phẩm ít độc hại hơn dựa trên quá trình đánh giá khoa học nghiêm ngặt. Năm 2019 FDA chỉ cho phép kinh doanh một sản phẩm thuốc lá làm nóng (TLLN). Sau đó hai năm, FDA tiếp tục cho phép một loại thuốc lá điện tử (TLĐT) hệ thống đóng, và bốn sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sử dụng qua đường uống (oral tobacco).

Còn ở Anh, cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho phép đưa TLĐT vào chính sách bảo vệ sức khỏe dành cho người hút thuốc, giúp họ chuyển đổi sang giải pháp ít tác hại hơn. Ngoài ra, chính sách này cũng hoàn toàn không khuyến khích hành vi sử dụng ở thanh thiếu niên. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở giới trẻ tại Anh chỉ là 1%. Hai quốc gia châu Âu khác cũng chứng kiến những thành tựu theo sau chính sách khuyến khích người hút chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang thuốc lá ngậm snus.

Theo đó, Thụy Điển đã trở thành quốc gia có tỷ lệ tử vong do thuốc lá ở nam giới thấp nhất trong khu vực châu Âu. Tương tự, tại Na Uy, tỷ lệ hút thuốc lá hàng ngày ở phụ nữ 16-24 tuổi đã giảm từ 17% xuống còn 1% trong giai đoạn 2008 – 2017, một sự thay đổi đáng kinh ngạc chỉ trong vòng 10 năm.

Thuốc lá không khói được chứng minh giảm tác hại cho người hút thuốc khi so sánh với thuốc lá điếu.

Tham chiếu kinh nghiệm của các nước láng giềng

Ngày 25.7 vừa qua, Philippines vừa chính thức thông qua Luật Quản lý Sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa và không chứa nicotine (VNNP), quy định rõ cách quản lý việc nhập khẩu, sản xuất, bán hàng, đóng gói, phân phối, sử dụng và truyền thông các sản phẩm TLĐT và TLLN. Đạo luật này hiện đang được rất nhiều bộ ban ngành đánh giá là một quyết định “mang tính lịch sử” trong quản lý pháp lý về y tế công cộng, vì được kỳ vọng là sẽ giúp cho 16 triệu người hút thuốc tại Philippines, đặc biệt là những người không thể cai thuốc lá điếu, có cơ hội tiếp cận với các lựa chọn thay thế tốt hơn.

Ông Weslie Gatchalian, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 18 Philippines đánh giá: "Luật Quản lý sản phẩm TLĐT cũng hướng tới mục tiêu bảo vệ trẻ vị thành niên với các quy định cấm mua các sản phẩm thuốc lá, kèm theo đó là khung hình phạt rất nghiêm khắc áp dụng cho những đối tượng vi phạm các điều luật cấm được qui định rõ trong luật. Hiện nay với Luật Quản lý TLĐT, đã đến lúc các cơ quan chính phủ như Bộ Công Thương và Bộ Y tế Philippines cần chung tay hành động nhằm giảm thiểu tỷ lệ hút thuốc lá của quốc gia".

Là quốc gia tiên tiến nhất châu Á, Nhật Bản cũng đã áp dụng một hướng tiếp cận kết hợp đối với các quy định về thuốc lá không khói. Thuốc lá TLĐT có chứa nicotine được Bộ Y tế Nhật quản lý và được xem như một loại dược phẩm. Trong khi đó, TLLN được nhận định là một sản phẩm thuốc lá vì các nguyên liệu của chúng được làm từ cây thuốc lá và đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tài chính, cùng với thuốc lá điếu thông thường. Tuy vậy, khung pháp lý quy định danh mục sản phẩm TLLN ít nghiêm ngặt hơn so với thuốc lá điếu, bao gồm cả về việc áp thuế, cảnh báo sức khỏe và hạn chế sử dụng.

Tương tự Nhật Bản, Trung Quốc cũng kết luận rằng sản phẩm thuốc lá không khói làm giảm phơi nhiễm với các chất độc hại so với thuốc lá điếu đốt cháy và do đó ít tác hại hơn cho người dùng. Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều xem thuốc lá không khói là biện pháp bổ trợ trong chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn diện của quốc gia.

Các quốc gia châu Á ngày càng nhìn nhận đúng đắn hơn về tác hại của khói thuốc lá và đưa ra biện pháp thay thế hiệu quả.

Môi trường và văn hóa các nước châu Á có nhiều điểm tương đồng so với Việt Nam. Vì vậy, chính sách quản lý của các quốc gia này cũng các là trường hợp tham chiếu phù hợp để Việt Nam có thể áp dụng thực tiễn, rút ngắn thời gian trì hoãn các giai đoạn vàng trong việc quản lý, sớm ngăn chặn các hệ lụy, gánh nặng của tệ nạn buôn lậu thuốc lá không khói trong thời gian vừa qua. Thực tế, theo định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, TLLN là "dạng khác" của thuốc lá, nên sản phẩm này cần phải chịu sự quản lý dưới luật.

Do đó, quản lý TLLN là vấn đề không cần phải chứng minh hay bàn cãi, càng quản lý sớm chừng nào, càng nhanh chóng giải quyết tốt hơn chừng đó các vấn nạn từ buôn lậu gây thất thoát thuế đến hệ lụy gây ra do hàng kém chất lượng, hàng gian hàng giả ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dùng, cũng như các tác động xã hội khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn