MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Việt Nam sẽ điều trị ung thư bằng tế bào miễn dịch

Hà Lê LDO | 28/10/2022 22:00

Y học tái tạo và tế bào gốc đã trở thành một xu hướng mới trong điều trị bệnh hiện nay. Thực tế cho thấy, có rất nhiều bệnh trước đây chưa có phương pháp điều trị nhưng với việc ứng dụng liệu pháp tế bào, bệnh nhân có thể được chữa khỏi hoặc cải thiện tình trạng bệnh.

Chia sẻ bên lề Hội nghị khoa học quốc tế Liệu pháp Tế bào và Gen lần thứ 5, với chủ đề "Trị liệu Tế bào: Kỷ nguyên mới của y học" diễn ra tại Hà Nội do Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec tổ chức, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào Gốc và Công nghệ Gen Vinmec cho biết, việc ứng dụng liệu pháp tế bào, tế bào gốc trong điều trị đang trở thành một xu hướng mới, ứng dụng trong nhiều bệnh lý từ ung thư, thần kinh...

Tại Hội nghị Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec đóng góp nhiều báo cáo  dựa trên kết quả của các thử nghiệm lâm sàng pha 1 và pha 2 do đội ngũ chuyên gia, bác sĩ của Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec, kết hợp với Trung tâm Y học Tái tạo và Trị liệu tế bào thực hiện trong thời gian vừa qua. Đây là những nghiên cứu tiên phong nhằm giải quyết thực trạng về các bệnh lý có tỉ lệ mắc bệnh cao ở Việt Nam dựa trên đặc thù về nhân chủng học.

Các nhà khoa học trình bày công trình nghiên cứu về tế bào gốc. Ảnh: Vũ Thanh

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, tế bào miễn dịch biến đổi gen cho điều trị ung thư đang là xu hướng điều trị mới trên thế giới. Ung thư vẫn là căn bệnh khó điều trị, tỉ lệ sống thấp dù khoa học ngày càng tiên tiến.

Hiện nay, phương pháp sử dụng tế bào miễn dịch điều trị ung thư đang được áp dụng. Tế bào miễn dịch này bản thân trong cơ thể có tế bào có nhưng tế bào ung thư “rất khôn”, luôn trốn tránh, lẩn trốn nên dù có tế bào miễn dịch không gắn được vào tế bào ung thư để tiêu diệt. Bây giờ, người ta gắn vào tế nào miễn dịch này một bộ phận (giống như nam châm) để có tế bào ung thư sẽ tìm đến, gắn chặt lại và tiêu diệt tế bào ung thư.

Trên thế giới đã có một số nước áp dụng, Đông Nam Á đi chậm hơn còn tại Việt Nam bắt đầu tiếp cận vấn đề này. Việt Nam cần chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm sản xuất được tế bào miễn dịch này, có nhân lực, có công nghệ…

Tại Viện Nghiên cứu Tế bào Gốc và Công nghệ Gen Vinmec  đã có lab riêng có thể sản xuất được tế bào miễn dịch này, có trang bị máy móc, đã ký hợp tác với công ty ở Đức chuyển giao công nghệ. Tháng 12.2022 sẽ bắt đầu dự án. Tháng 2.2023 hoàn thành kế hoạch đào tạo. Dự kiến tháng 4.2023, sẽ điều trị cho bệnh nhân ung thư bằng tế bào miễn dịch.

"Chúng tôi chọn bệnh ung thư máu, bởi đến nay, các nghiên cứu ở các nước đang ứng dụng điều trị ung thư máu mang lại hiệu quả tốt"- GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết.

Chia sẻ thêm thông tin, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, hiện tại Việt Nam có 4 loại bệnh đã được cấp phép điều trị tế bào gốc là thoái hoá khớp gối, xơ gan, teo đường mật  và chấn thương tuỷ sống. Bệnh về khớp gối và xơ gan được áp dụng nhiều, chấn thương tuỷ sống từng trường hợp được chỉ định làm.

Đánh giá về công nghệ tế bào gốc của Việt Nam, GS.TS Chi-Ying Huang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc gia Dương Châu cho rằng: Rất khó có thể so sánh thành tựu về công nghệ tế bào gốc của Viện Nghiên cứu Tế bào Gốc và Công nghệ Gen Vinmec với các nước khác. Chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc đã thực hiện trước chúng ta nên họ sẽ đi nhanh hơn, còn Việt Nam mới tiếp cận trong vài văm trở lại đây. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể đuổi kịp các nước khác bằng cách đi tắt, tận dụng các thành tựu mà các nước đã đạt được trước đó để áp dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn