MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện An Việt thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Hải Phạm

Vô tình làm rơi đồ, phụ huynh giật mình khi phát hiện con điếc bẩm sinh

Hà Lê LDO | 30/06/2023 09:56

Đưa con tới gặp bác sĩ, vợ chồng anh Nguyễn Nam Minh ở Nam Định lo lắng cho tình trạng của con. Những ngày gần đây, anh chị để ý dường như thính lực của cậu con trai 5 tháng tuổi không bình thường.

Chia sẻ với bác sĩ, vợ chồng anh Minh cho biết qua tiếp xúc hằng ngày không thấy bé có phản xạ với âm thanh. Ban đầu, vì nghĩ con còn quá nhỏ nên không quá để ý. Mọi hoạt động bố mẹ đều nhẹ nhàng nhất khi ở gần con.

Có lần khi đang bế con, vợ anh Minh vô tình làm rơi bộ ấm chén từ trên tủ xuống. Tưởng bé sẽ giật mình vì đang ngủ nhưng cháu vẫn không có phản ứng gì. Hốt hoảng, anh chị thử vỗ tay rồi tạo tiếng động lớn nhưng con vẫn ngủ như không có chuyện gì xảy ra.

Sau khi thăm khám và tiến hành đo thính lực, các bác sĩ cho biết con anh Minh bị điếc bẩm sinh và cần được cấy ốc tai điện cực.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), Giám đốc Bệnh viện An Việt điếc bẩm sinh - mất thính lực ngay từ khi mới sinh xảy ra khi khả năng của tai chuyển đổi năng lượng cơ học rung động của âm thanh thành năng lượng điện của các xung thần kinh bị suy giảm.

Việc sàng lọc thính lực ở trẻ sơ sinh được thực hiện càng sớm càng tốt, hoặc chậm nhất là 3 tháng sau khi sinh. Đặc biệt, đối với trẻ có yếu tố nguy cơ cao như: trẻ sinh non tháng, nhẹ cân; trẻ bị bệnh nặng ngay sau sinh; trẻ bị dị dạng ở đầu, tai, mặt; trẻ bị viêm màng não hoặc viêm não; trẻ bị vàng da nặng phải truyền máu; mẹ bị nhiễm một số siêu vi khuẩn trong thời kỳ mang thai (như bị rubella, cúm, sởi…); trong gia đình có người bị giảm thính lực…

Đối với trẻ sơ sinh, biểu hiện về thính lực thường chưa rõ ràng. Vì vậy, nhiều cha mẹ không để ý đến những biểu hiện phản xạ với âm thanh của con, khi lớn lên, thấy con chậm chạp so với những bạn cùng trang lứa, cha mẹ mới đưa con đi khám thì đã lỡ cơ hội điều trị.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An cho biết thêm, khi đã chẩn đoán trẻ bị điếc bẩm sinh thì không có biện pháp nào khác ngoài cấy ốc tai điện tử. Cấy ốc tai điện cực là một kỹ thuật được triển khai ở nhiều nước trên thế giới và giờ đây tại Việt Nam phương pháp này được triển khai ở một số ít bệnh viện.

Phương pháp này thường được chỉ định khi các biện pháp điều trị khiếm thính khác không đạt hiệu quả. Độ tuổi tốt nhất để thực hiện phẫu thuật này là dưới 3 tuổi vì đây là giai đoạn phát triển về thần kinh thính giác, ngôn ngữ ở trẻ. Nếu ở độ tuổi càng muộn, việc phát triển ngôn ngữ của bệnh nhân càng khó khăn, phải rất kiên nhẫn và cần nhiều thời gian.

Trên thế giới, trường hợp ít tuổi nhất được cấy điện cực ốc tai là 6 tháng tuổi, tuy nhiên đây là những trường hợp rất hiếm gặp và được chỉ định đối với từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, ở Việt Nam do hạn chế về điều kiện để chẩn đoán, nên việc phát hiện, điều trị còn muộn, nên việc phục hồi chức năng sau này cũng chậm trễ hơn so với những trường hợp được thực hiện sớm.

Sau khi thực hiện cấy ốc tai điện tử thành công, bệnh nhi còn phải tiếp tục quá trình luyện đeo máy, dạy nói… Đến khi bé nghe nói được, phát triển ngôn ngữ gần như bình thường thì mới khẳng định ca phẫu thuật thành công.

Tuy vậy, chi phí cho những ca cấy ốc tai điện cực là rất lớn và không phải gia đình nào cũng có điều kiện thực hiện cho con, đây là một điều vô cùng đáng tiếc khi có thể khiến con lỡ giai đoạn vàng hoặc bị câm điếc cả đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn