MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đo chất lượng không khí xung quanh khu "bão lửa" Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: CN

Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông: 12 người đến kiểm tra sức khỏe đều ổn định

L.Hà LDO | 30/08/2019 16:32

Sau vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, một số người dân đã đến kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, sức khỏe bệnh nhân đều ổn định.

Chiều 30.8, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) thông tin, sáng 30.8 có 10 nhà báo tham gia tác nghiệp tại vụ cháy ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và 2 người dân sống xung quanh khu vực xảy ra cháy đã chủ động đi kiểm tra sức khỏe.

Các bệnh nhân đến khám có triệu chứng như đau đầu, chóng mặt... Qua thăm khám lâm sàng cho thấy, sức khỏe của các bệnh nhân ổn định, không có biểu hiện bất thường. Hiện các xét nghiệm cụ thể đang được thực hiện. Khi có kết quả cuối cùng, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị (nếu có bệnh).

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cung cấp thông tin xung quanh việc thủy ngân ảnh hưởng tới sức khỏe. Ảnh: LH

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết: Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là nhà máy sản xuất bóng đèn. Khi xảy ra vụ việc, trung tâm đã liên lạc với các đơn vị nhưng do vụ cháy vừa xảy ra, chưa thể tiếp cận được để tìm hiểu cụ thể nên chúng tôi chưa có thông tin chính xác tại hiện trường, kể cả vấn đề kim loại, thuỷ ngân tại nơi xảy ra cháy.

Nhiều người lo ngại ảnh hưởng của vụ cháy tới sức khỏe do đây là nơi sản xuất bóng đèn, nhiều khả năng có thủy ngân. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, trong các vụ cháy thông thường, người tiếp xúc gần vụ cháy thường có các nguy cơ: Hít phải hơi nóng, có thể gây bỏng hô hấp, hít phải khói độc bởi trong đám khói có thể chứa nhiều chất gây ngộ độc…

Với vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khẳng định, hiện tất cả lo lắng này mới chỉ là phán đoán. Muốn xác định rõ hơn, cơ quan chức năng sẽ có những đánh giá, quan trắc về môi trường, nguồn nước,… khi đó mới có thể đánh giá được chính thức.

"Bình thường, nguy cơ gây nhiễm độc thủy ngân từ bóng đèn rất thấp, kể cả khi bóng đèn vỡ ra. Tuy vậy, trong điều kiện nhiệt độ nóng của vụ cháy, thủy ngân có thể bốc hơi vào không khí, hít vào rất nguy hiểm", bác sĩ Nguyễn cho hay.

Việc người dân sống xung quanh khu vực xảy ra đám cháy hoặc hít phải khí độc của đám cháy có bị ngộ độc thủy ngân hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là nồng độ thủy ngân bị nhiễm độc; thời gian tiếp xúc với khí độc; hay các yếu tố khác như người ở gần khu vực đám cháy nhưng thuận chiều gió hay xuôi chiều gió; độ tuổi của nạn nhân; hoạt động tiếp cận vụ cháy của nạn nhân…

“Vì thế chúng ta không thể khẳng định được tất cả những người sống trong khu vực xảy ra đám cháy đều nhiễm độc, nguy cơ cao hay thấp tùy thuộc vào nhiều yếu tố” – bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, mọi người nên tiếp tục tự theo dõi và thông tin tới bác sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn