MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ ngộ độc trứng cóc khiến 8 người thương vong. Ảnh: L.HÀ

Vụ ngộ độc trứng cóc, 1 người chết: 7 người sẽ xuất viện trong vài ngày tới

Gia Huy LDO | 21/01/2020 16:06
Do ăn phải trứng cóc, 8 người phải nhập viện, sau đó 1 người tử vong ở thôn Cốc (xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình).

Chiều 21.1, trao đổi nhanh với Lao Động, ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch xã Kim Truy (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm khiến 8 người thương vong.

Theo ông Bùi Văn Phú, sự việc xảy ra vào ngày hôm qua (20.1) tại xóm Cốc. Theo đó, đã có một số người xuống đồng bắt cóc về chế biến thành thực phẩm nên bị ngộ độc.

"Do không để ý nên những người này lầm tưởng đây là ếch nên đã mang về chế biến thực phẩm. Từ trước đến nay, đây là lần đầu trên địa bàn xảy ra sự việc hy hữu khiến nhiều người ngộ độc như vậy. Sau khi nhập viện, đã có 1 nạn nhân tử vong, 7 người còn lại đã qua cơn nguy kịch. Dự kiến trong một vài ngày tới, những người này có thể xuất viện" - Chủ tịch xã Kim Truy thông tin.

Trước đó, vào khoảng 20h ngày 20.1 (tức 26 Tết âm lịch), Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi tiếp nhận 8 ca cấp cứu do ăn trứng cóc và bị ngộ độc ở xóm Cốc, xã Kim Truy. Các bệnh nhân đều có triệu chứng mạch chậm, ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.

Thông tin với báo chí, bác sĩ Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi, cho biết: Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khá nặng với triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Bệnh nhân Bùi Văn T (37 tuổi) đã tử vong. Các bệnh nhân còn lại đã được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Theo các bác sĩ, khi ăn phải chất độc của cóc, sau vài giờ nạn nhân thấy chóng mặt, quay cuồng, đau như châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo là ói mửa dữ dội, kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, nhịp tim đập chậm lại, tụt huyết áp. Phần lớn tử vong do rối loạn dẫn truyền thần kinh tim không hồi phục. Một số trường hợp xuất hiện suy thận cấp, suy gan.

Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả.

Tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc. Trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để  da cóc, nội tạng cóc, nhựa cóc lẫn vào cơ cóc hay thịt cóc. 

Những việc cần làm khi có người bị ngộ độc cóc:

- Phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.

- Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận....

-  Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo...

- Phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.

- Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận....

-  Thải trừ chất độc: Rửa dạ dày, uống than hoạt, thụt, tháo...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn