MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BS khám cho em Bùi Đức T (Ảnh: PV)

Vụ sập lan can trường học ở Bắc Ninh: 2 học sinh bị thương nặng nhất giờ ra sao?

Thùy Linh LDO | 18/12/2017 15:58

Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), 2 học sinh bị nặng nhất trong vụ sập lan can tại Trường tiểu học Văn Môn (xã Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vẫn đang được theo dõi, điều trị. Sau mổ, các em đã tỉnh táo. 

Em Bùi Đức T và em Vương Quốc A (đều 10 tuổi, học sinh lớp 5), là 2 em bị thương nặng nhất trong vụ sập lan can trường học ở Bắc Ninh. 

Chị Nguyễn Thị D, mẹ em Bùi Đức T, chia sẻ: “Phần đầu cháu bị tụ máu nên các bác sĩ đã mổ và cháu tiến triển tốt, riêng xương đòn cánh tay bị gãy và xương chậu bị vỡ thì các bác sĩ nẹp và cho cháu mặc áo định hình để xương tự liền lại. Hiện tại không thấy cháu kêu đau đớn gì, đã tỉnh táo nhưng vẫn còn mệt nên chưa nói được nhiều".

Bệnh nhân A là người bị nặng nhất trong số các em bị thương, tuy có tiến triển tốt nhưng vẫn đang tiếp tục theo dõi, điều trị tại bệnh viện. “Con tôi bị vỡ xương thái dương bên phải, bên trái tụ máu và đã được phẫu thuật ngay khi chuyển lên. Từ hôm bị tai nạn đến nay, cháu ngủ được rất ít và vẫn còn rất mệt. Cháu hiện đã tỉnh táo hơn mấy hôm trước nhưng vẫn chưa nói được nhiều. Khi tôi hỏi về vụ tai nạn hôm đó thì cháu không còn nhớ gì cả”, chị Đặng Thị M, mẹ cháu Vương Quốc A, chia sẻ.

Phụ huynh của 2 em cũng chia sẻ, đây là vụ tai nạn không ai mong muốn, cũng là rủi ro của nhà trường nên các gia đình rất thông cảm. Ngay sau khi các em phải nằm viện, nhà trường đã lên thăm hỏi và gọi điện thường xuyên. Thầy chủ nhiệm nói sẽ bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em để khi đi học trở lại có thể theo kịp các bạn.

Ths.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật thần kinh I, BV Hữu nghị Việt Đức, người trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho các em, nói: Có 4 em học sinh ở Bắc Ninh được chuyển đến khoa Phẫu thuật Thần kinh I điều trị. Hiện có 2 em chấn thương tự hồi phục được, chúng tôi đã chuyển xuống tuyến dưới điều trị. Còn lại 2 em bị nặng vẫn đang điều trị tại khoa.

Cũng theo BS Xuân, với các em bị nặng phải mổ, thời gian cần thiết để thiết để hồi phục và trở lại học tập là vài tuần, thậm chí vài tháng. Với các tổn thương ở não, thường trẻ em sẽ hồi phục tốt hơn người lớn. 

“Tuy nhiên, chúng tôi không dám khẳng định là sẽ hồi phục hoàn toàn hay không để lại di chứng. Bởi có nhiều trường hợp tuy chưa biểu hiện ngay nhưng một thời gian sau bệnh nhân mới có biểu hiện với các triệu chứng điển hình như động kinh hoặc mất trí nhớ... Vì thế, sau khi bệnh nhân ra viện, các bác sĩ vẫn phải tiếp tục theo dõi và yêu cầu bệnh nhân đi khám định kỳ sau 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng; phải đến kiểm tra ngay nếu có các bất thường”, BS Xuân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn