MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Dương Văn Tiến đang hồi phục sau khi hiến 60% gan cứu con gái (Ảnh: Thùy Linh)

Xúc động người bố hiến 60% gan cứu con gái và ca ghép tạng “đỉnh cao“

Thùy Linh LDO | 03/04/2017 19:50
Chiều 3.4, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã cung cấp cho báo chí thông tin về ca ghép gan từ cặp bố con ruột. Đây là ca ghép tạng vô cùng phức tạp, thể hiện trình độ rất cao của kỹ thuật ghép tạng Việt Nam. Hơn thế, phía sau đó là cả một câu chuyện xúc động về tình cha con.

Ca ghép tạng phức tạp nhất từ trước đến nay

Bệnh nhân được ghép gan là Dương Thị Phương Mai, 15 tuổi. Người hiến tạng là ông Dương Văn Tiến (39 tuổi), quê quán huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá, chính là bố đẻ của bệnh nhân.

Được biết, trước khi được ghép gan, bệnh nhân mắc hội chứng Wilson, gan không thể thải đồng, dẫn tới suy gan cấp trên nền bệnh gan mạn tính, xơ gan, đã hôn mê gan, rối loạn đông máu nặng. Bệnh nhân phải hồi sức lọc gan, thay huyết tương và chờ ghép gan cấp cứu. Đây là ca bệnh tiên lượng chắc chắn tử vong nếu không được ghép gan. Bệnh nhân bị xơ gan, lách to, tĩnh mạch cửa teo, việc cấp máu cho gan nghèo nàn.

Ngày 29.3 vừa qua, hơn 100 bác sĩ điều dưỡng của Bệnh viện Việt Đức đã tham gia vào ca mổ đặc biệt này. Họ đã chung tay cứu sống bệnh nhân sau 9 tiếng đồng hồ dài đằng đẵng. GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, trước khi ghép bệnh nhân có nguy cơ tử vong 90%, nhưng đến hôm nay đã được khẳng định ghép thành công. Đây là bệnh nhân nặng nhất được ghép gan từ trước đến nay tại BV Việt Đức.

Hình ảnh bệnh nhân hồi phục sau ghép gan (Ảnh: BSCC)

Các bác sĩ sử dụng phương pháp ghép gan bán phần từ người hiến khoẻ mạnh. Nửa gan của người cha được cắt (60% thể tích gan người bố). Trong ca ghép bệnh nhân có rối loạn đông máu từ trước ghép, hậu quả của suy gan cấp nên việc điều chỉnh đông máu trong mổ rất quan trọng nhằm hạn chế chảy máu cho bệnh nhân.

Ngoài ra bệnh nhân còn có bất thường bẩm sinh hẹp động mạch thân tạng, là gốc của động mạch gan khiến không thể thực hiện miệng nối động mạch bình thường mà phải nối dài, nối trực tiếp động mạch gan vào động mạch chủ bụng.

PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực cho biết, kíp phẫu thuật chịu nhiều áp lực về mặt kỹ thuật, phải rút ngắn thời gian phẫu thuật do bệnh quá nặng, nguy cơ mất máu lớn. Bệnh nhân suy gan cấp trong vài tháng, nhiễm trùng trước mổ rất nặng, phù phổi cấp, suy thở, hôn mê gan... tạo nên khó khăn với các bác sĩ trong quá trình mổ.

Đỉnh cao của kỹ thuật ghép tạng

Tại cuộc họp báo, GS-TS Bùi Đức Phú cho rằng đây là một ca mổ đỉnh cao của kỹ thuật ghép tạng Việt Nam. Nhờ có sự sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các bệnh viện BV Hữu Nghị Việt Đức, BV Nhi TƯ và BV ĐKQT Vinmec, chỉ với một mục đích duy nhất là làm sao cứu sống được bệnh nhân. Chính khao khát sống của bệnh nhân và niềm tin của các bác sĩ đã giúp cho ca ghép tạng phức tạp này thành công. Các bác sĩ đã làm chủ kỹ thuật để cứu bệnh nhân với một tấm lòng thiện tâm, vô cùng nhân văn.

Bé Mai ngồi dậy được và nói chuyện vui vẻ với các BS sau ghép ngày thứ 4 (Ảnh: BSCC)

Các bác sĩ của kíp phẫu thuật Bệnh viện Việt Đức đã vô cùng lo lắng bởi bệnh nhân bị rối loạn đông máu có chống chỉ định với phẫu thuật, trong khi đây lại là một ca phẫu thuật lớn… Dù vậy, ca mổ đã thành công ngoài sức tưởng tượng của các bác sĩ. Một tuần sau ghép ngoạn mục, hiện bệnh nhân tỉnh, tự ngồi dậy ăn uống được, không sốt, các chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng gan phục hồi như dự kiến.

Nói về ca ghép tạng ngoạn mục này, GS-TS Trần Bình Giang- Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Đức cho rằng: “Trước khi được ghép gan, bệnh nhân Dương Thị Phương Mai. bị rối loạn chuyển hóa đồng (Wilson), suy gan cấp trên nền bệnh gan mạn tính, xơ gan, đã hôn mê gan, rối loạn đông máu nặng. Tiên lượng đến 90% sẽ tử vong nếu không được ghép gan. Đây là bệnh nhân nặng nhất được ghép gan từ trước đến nay tại Bệnh viện Việt Đức. Thậm chí trước đó gia đình đã xin cho bệnh nhân về thôi điều trị. Đây là ca bệnh có thể không gặp nhiều trên thế giới. Tôi có thể khẳng định, đội ngũ ghép tạng của chúng ta không thua kém bất cứ trung tâm nào trên thế giới”. 

GS.TS Trần Bình Giang- GĐ BV Việt Đức vui mừng chia sẻ về sự thành công của ca ghép tạng phức tạp (Ảnh: Thùy Linh)

Chị Vũ Thị Vui- bác của bệnh nhân chia sẻ: "Gia đình cháu có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã phải phân vân rất nhiều để đưa ra quyết định có ghép gan cho cháu hay không vì các bác sĩ bảo đây là ca ghép vô cùng phức tạp, có thể sẽ không thành công, chúng tôi phải đứng trước lựa chọn giữ sức khỏe cho người bố hay cứu con gái. Nhưng khi được các bác sĩ tư vấn thì gia đình vẫn quyết định cứu cháu. Khi biết thông tin gan của mình phù hợp, bố cháu đã kiên quyết hiến gan cứu cháu".

Khi biết được câu chuyện người bố quyết tâm hiến gan cứu con gái, các bác sĩ và nhân viên y tế đều vô cùng xúc động. Họ càng cảm phục và cố gắng hết sức để hoàn thành tâm nguyện cho gia đình cháu Mai. Các bác sĩ cũng cho biết, hiện người bố hiến gan cho con gái đã tỉnh, chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng gan đang hồi phục bình thường. Đến thăm anh Dương Văn Tiến trong phòng hồi sức, chúng tôi chỉ được nhìn thấy anh qua cửa kính. Anh hướng ánh mắt về phía chúng tôi, mỉm cười. Đôi mắt cũng ánh lên niềm vui và hạnh phúc tột cùng. Trong một căn phòng khác, cô con gái Phương Mai của anh cũng đã bắt đầu vui vẻ trò chuyện với các y bác sĩ. Cháu liên tục cảm thấy đói và muốn được ăn. Sự sống đã trở lại.

Hình ảnh tại cuộc họp báo chiều 3.4 (Ảnh: Thùy Linh)

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn