MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm ngừa vaccine thủy đậu là cách phòng bệnh tốt cho trẻ. Ảnh: M.Phạm

Bệnh thủy đậu “tấn công” người dân TPHCM

Xuân Anh LDO | 22/01/2017 22:21
Bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 12 mỗi năm và tăng dần từ tháng 2 đến tháng 5 là đỉnh điểm mùa dịch. Mặc dù chỉ mới bước vào đầu mùa dịch, song, TPHCM đã xuất hiện một ổ dịch tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 khiến người dân lo lắng.

Vào mùa bệnh

Một ổ dịch thủy đậu khiến ít nhất 30 người mắc bệnh đã xảy ra tại Cty Gunze (Khu chế xuất Tân thuận, quận 7). Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tính đến ngày 4.1, tại công ty Gunze (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) đã ghi nhận 30 trường hợp thủy đậu. Trường hợp đầu tiên khởi phát bệnh vào ngày 17.11 với biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, đau họng. Ngay sau đó, Cty Gunze liên tục ghi nhận những công nhân tiếp theo có biểu hiện bệnh.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã làm việc với Cty Gunze để tìm cách khắc phục và tránh lây nhiễm. Cty Gunze cũng đã thực hiện các biện pháp cho các công nhân có triệu chứng bệnh hoặc nghi ngờ bệnh nghỉ làm và thực hiện vệ sinh nơi làm việc. Sau kiểm tra, BS Nguyễn Trí Dũng yêu cầu Cty phối hợp với phòng khám đa khoa khu chế xuất Tân Thuận tiếp tục tầm soát, phát hiện sớm ca bệnh mới mắc để kịp thời cách ly tại nơi ở, cho nghỉ ở nhà, điều trị theo chỉ định của cơ sở y tế đến khi được phép đi làm.
Tại các khu dân cư của TPHCM cũng bắt đầu xuất hiện rải rác ca bệnh thủy đậu. Anh Kim Cương (nhà ở quận Gò Vấp) cho biết cũng “khổ sở” vì con trai mắc bệnh thủy đậu trong khi vợ vắng nhà: “Trước giờ việc chăm sóc con chủ yếu là vợ đảm đương. Đúng lúc vợ đi công tác dài ngày thì con trai bỗng dưng nổi mụn nước ở cổ, rồi lan dần khắp người. Lúc đầu, tôi tưởng cháu bị con gì đốt thôi, sau thấy nhiều nốt tương tự mới phát hoảng, vội đưa con đi bệnh viện khám. Bác sĩ nói cháu bị thủy đậu và hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà. Đúng là tôi chủ quan, lẽ ra khi cháu xuất hiện mụn nước là phải kiểm tra và đưa đi khám rồi”.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh của Bệnh viện cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận ca bệnh. Đa phần các trường hợp bệnh nhẹ nên được kê thuốc và hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc trẻ tại nhà. Tại khoa chỉ lưu lại 1-2 bé bệnh nặng cần theo dõi. Tuy nhiên, BS Trương Hữu Khanh lưu ý, đây là thời điểm bệnh thủy đậu bắt đầu vào mùa, do đó, phụ huynh nên có cách phòng bệnh cho trẻ.

Có thể gây dị tật cho thai nhi

Theo các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, hiện nay bệnh dịch thủy đậu đang vào mùa. Đối tượng dễ lây nhiễm nhất là phụ nữ và trẻ em. Đáng lo ngại, phụ nữ mang thai nhiễm thủy đậu có thể liên quan tới dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Thủy đậu là một bệnh toàn thân do virus Varicella zoster gây ra. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi người, nhưng chủ yếu là trẻ 5-9 tuổi. Trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc đang điều trị ung thư máu nếu mắc thủy đậu thường rất xảy ra biến chứng nặng. Thủy đậu là bệnh rất dễ truyền nhiễm và lây lan thông qua sự đụng chạm vào bóng nước từ người bị thuỷ đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm. Trẻ nhiễm bệnh thủy đậu thường dễ lây bệnh cho bạn bè ở nhà trẻ, mẫu giáo, lớp bán trú trong khi vui đùa, sinh hoạt, ngủ nghỉ cùng nhau. Đó là lý do, không ít trường hợp trẻ khoẻ mạnh nhiễm bệnh sau một ngày đến trường.
Khi mắc thủy đậu, trẻ thường xuất hiện triệu chứng nổi bóng nước ở vùng đầu mặt, thân và tay chân. Bóng nước có thể xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ. Bóng nước thường chứa dịch trong. Tuy nhiên những trường hợp nặng, bóng nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Bệnh thường kéo dài từ 1 tuần đến 10 ngày. Sau đó, các bóng nước sẽ đóng vảy và rụng dần, nếu như không có biến chứng thì bóng nước không để lại sẹo. Bên cạnh nổi bóng nước, trẻ thường kèm theo biểu hiện sốt nhẹ, biếng ăn.
Theo BS Trương Hữu Khanh, mặc dù thủy đậu khá lành tính nhưng bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tủy. Thủy đậu có thể gây tử vong ở đối tượng trẻ quá nhỏ, trẻ đang điều trị ung thư máu hoặc ở trẻ có biến chứng viêm não nặng. Viêm não là biến chứng rất nguy hiểm của thủy đậu dù hiếm gặp. Thường xuyên gặp hơn là nhiễm trùng da và nhiễm trùng huyết. Nguyên nhân là do phụ huynh chăm sóc không đúng cách. Nhiều phụ huynh đã tự ý bôi thuốc, bôi lá lên vết mụn nước của trẻ dẫn đến nhiễm trùng.
Theo BS Khanh, bệnh thủy đậu nguy hiểm nhất đối với phụ nữ mang thai. Nếu mắc thủy đậu 3 tháng cuối thai kỳ thì trẻ sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh như sẹo da, teo cơ, bất thường ở mắt, co giật, chậm phát triển trí tuệ. Còn nếu mắc bệnh trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh sẽ bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.

Tiêm ngừa là cách phòng bệnh tốt nhất

Theo BS Trương Hữu Khanh, khi mắc bệnh thủy đậu, rất nhiều phụ huynh đã kiêng tắm, kiêng nước, kiêng gió cho con. Tuy nhiên, cách chăm sóc này là sai. Phụ huynh vẫn phải cho bé tắm gội sạch sẽ bình thường, ăn mặc thoáng mát. Đặc biệt, trẻ phải được cắt móng tay để tránh gãi làm bóng nước vỡ ra. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý bôi thuốc hay bất kì thứ gì lên da bé.
Phụ huynh, người thân cũng cần phòng bệnh cho bản thân để tránh trở thành nguồn trung gian lây bệnh cho con. Đặc biệt, không ôm, bế, nựng trẻ khi đi làm về mà chưa thay quần áo; không cho trẻ ăn khi chưa vệ sinh tay chân... Gia đình nên giữ môi trường sống sạch sẽ, mở rộng cửa để giữ cho không khí thông thoáng, nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng.
Với những trẻ đã có biểu hiện của bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên phụ huynh nên cho con nghỉ học, cách ly từ 2-3 tuần để tránh lấy nhiễm cho trẻ lành. Khi tiếp xúc với trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần đeo khẩu trang. Sau tiếp xúc phải rửa tay kỹ với xà bông. “Đa phần, trẻ mắc bệnh thủy đậu có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ nổi bóng nước rất nhiều, bóng nước có mủ tấy hoặc sốt cao, sốt li bì, co giật, hôn mê, thở mệt, trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện để theo dõi, tránh những biến chứng nguy hiểm” – BS Khanh khuyên.
Để chủ đồng phòng ngừa thuỷ đậu hiệu quả và an toàn, nếu có điều kiện, phụ huynh nên đưa con đi tiêm vaccine thủy đậu cho trẻ khi trẻ đủ 1 tuổi. Phụ huynh cần chú ý đưa con đi tiêm ngừa sớm, không nên thấy dịch bệnh bùng phát mới tiêm. Và một lý do quan trọng cần đưa trẻ đi tiêm sớm là vaccine thủy đậu cần 2-3 tuần để phát huy tác dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn