MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BS khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khám cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.

Các quan điểm sai lầm về ung thư cổ tử cung

TS.BS CK II Lưu Văn Minh (Trưởng khoa Xạ 2, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM) LDO | 18/05/2016 06:00
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư của phụ nữ ở độ tuổi 45 - 55 tại Việt Nam. Căn bệnh này gây ra gánh nặng và những tổn thất vô cùng to lớn về sức khỏe và tinh thần cho người bệnh và cả những người thân trong gia đình. Do đó, việc chị em phụ nữ hiểu và phòng tránh căn bệnh này là rất cần thiết.

Ung thư không phải do “Trời kêu ai nấy dạ”

Bệnh ung thư nói chung, trong đó có UTCTC, trước đây là bệnh hiểm nghèo, khi người bệnh mắc phải thì việc điều trị rất cực nhọc, tốn kém và kết quả thường là xấu, người bệnh sẽ suy kiệt dần rồi dẫn đến tử vong. Cũng chính vì lẽ đó mà người dân thường xem bệnh ung thư là “Trời kêu ai nấy dạ”, và xem đó như là một định mệnh không thể phòng tránh được.

Tuy nhiên, ngày nay, dưới ánh sáng của khoa học, cùng những tiến bộ mới nhất của y học, người ta đã tìm ra được nguyên nhân của nhiều bệnh ung thư, trong đó có UTCTC và nhất là tìm ra được vắc xin ngừa HPV gây UTCTC, cũng như các phương pháp giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn còn rất sớm, giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Có thể khẳng định, UTCTC không phải là bệnh do “Trời kêu ai nấy dạ”.

Ung thư cổ tử cung là bệnh do di truyền?

Những cuộc khảo sát kiến thức cộng đồng được thực hiện cho thấy, đa số người được hỏi đều cho rằng UTCTC là do di truyền, có nghĩa là trong gia đình nếu có bà, mẹ, chị... bị UTCTC thì con, cháu gái sẽ có thể bị UTCTC. Nhưng thật ra, UTCTC không phải loại bệnh do di truyền. Nguyên nhân gây UTCTC đã được xác định là do nhiễm virus HPV, một loại virus gây u nhú ở người có tỉ lệ lây nhiễm rất cao qua đường tình dục.

Trước đây, người ta ghi nhận rằng, UTCTC thường xảy với những phụ nữ có quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, bạn tình có quan hệ tình dục với nhiều người, sinh đẻ nhiều và vệ sinh cá nhân kém. Tuy nhiên, ngày nay y học đã chứng minh được rằng, đây chỉ là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm HPV gây UTCTC.

HPV lây truyền chủ yếu qua các đường sau đây: Đường tình dục (sinh dục - sinh dục, tay - sinh dục, miệng - sinh dục), không tình dục là do dùng chung đồ vật (quần áo lót, chăn mền...), dụng cụ y tế không bảo đảm vô trùng, mẹ truyền sang con lúc sinh. Trong đó, nhiễm HPV là nhiễm trùng đường sinh dục phổ biến nhất ở phụ nữ. Do đó, UTCTC có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào và bất kỳ lứa tuổi nào.

 Nhiễm HPV sẽ dẫn đến ung thư cổ tử cung?

Nhiều phụ nữ hết sức lo lắng, nhất là khi cầm trong tay kết quả xét nghiệm cho biết mình đã bị nhiễm HPV, như thế có nghĩa là họ sẽ bị UTCTC. Điều này hoàn toàn chưa chính xác, bởi lẽ không phải nhiễm HPV chủng nào cũng gây UTCTC. Khoa học đã chứng minh, chỉ có những chủng HPV nguy cơ cao mới có khả năng sinh ung thư như các chủng: 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58... Chỉ có khoảng hơn 20/100 chủng HPV có khả năng gây ung thư. Hơn nữa, không phải nhiễm HPV nhóm nguy cơ cao là chắc chắn dẫn đến ung thư, thường thì sẽ tự khỏi sau một thời gian. Chỉ khi nào nhiễm dai dẵng trên 2 năm thì mới có thể dẫn đến UTCTC sau này.

Đã tiêm chủng ngừa HPV thì không cần khám tầm soát

Vắc xin ngừa HPV gây UTCTC là một thành tựu to lớn của y học, việc tiêm ngừa vắc xin này sẽ đem lại hy vọng khống chế được căn bệnh nguy hiểm chết người từ trước đến nay. Tuy nhiên, chúng ta cần biết HPV là nguyên nhân gây ra khoảng 70% các ca ung thư cổ tử cung, phần nguyên nhân còn lại y học còn đang nghiên cứu. Vì vậy, việc khám phụ khoa và thực hiện tầm soát bằng pap smear định kỳ ít nhất mỗi năm một lần là rất cần thiết đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục, dù có được chủng ngừa hay chưa. Phương pháp này giúp kiểm tra và phát hiện những dấu hiệu bất thường sớm để có thể điều trị kịp thời.

Không cần thiết chủng ngừa HPV sớm

Nhiều phụ huynh cho rằng con gái họ còn nhỏ, chưa đến tuổi trưởng thành, và có thể kiểm soát được các mối quan hệ của cháu nên không cần thiết phải tiêm chủng sớm.

Theo các chuyên gia, đây là quan niệm không đúng, bởi vì như mọi loại vắc xin, vắc xin ngừa HPV gây UTCTC nên tiêm chủng vào thời điểm mà cá nhân chưa bị nhiễm, lúc đó vắc xin sẽ phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu hủy virus HPV trước khi virus xâm nhập vào cổ tử cung để gây bệnh.

Ở nước ta mỗi năm, ước tính trong 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh UTCTC và 11 trường hợp tử vong. Mỗi năm, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM tiếp nhận từ 2.000 - 3.000 bệnh nhân UTCTC mới. 80% bệnh nhân đến bệnh viện với triệu chứng xuất huyết âm đạo bất thường, kế đến là triệu chứng huyết trắng âm đạo bất thường, một số ít bệnh nhân đến với triệu chứng như tiểu gắt, tiểu buốt, hoặc đau nặng vùng bụng dưới.

 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn