MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện một ca ghép tạng. Ảnh: K.Q

Chuyện chưa kể về những người đầu tiên hiến tạng cho người lạ

Quỳnh Khương LDO | 09/10/2016 07:00
Những nhân vật trong ghi chép này không hề biết người nhận tạng của người thân mình là ai và cũng không nhận bất kì một khoản chi phí nào.
“Vì má ở đâu đó cũng vui”

Một ngày, tôi cùng bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu – Trưởng Đơn vị Điều phối Hiến ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy đến thăm những gia đình có người thân hiến tạng sau khi qua đời. Trên đường đi, bác sĩ Thu tranh thủ kể về kỷ niệm ngày 29 tết năm 2010. Khi người người, nhà nhà chuẩn bị đón tết thì các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy phải chạy hết tốc lực để thực hiện 4 ca ghép thận cho các bệnh nhân suy thận mạn. Người cho tạng là 2 bệnh nhân đã chết não được gia đình làm đơn xin hiến tạng nhân đạo: “Khi nhận được lá đơn của 2 gia đình. Chúng tôi vô cùng bất ngờ và dường như không tin vào tai mình, phải hỏi đi hỏi lại người nhà về nguyện vọng hiến tạng. Bởi thời điểm đó, hiến tạng nhân đạo còn quá mới”. Trước đó, các ca ghép tạng đa phần từ người cho còn sống. Tức là người trong gia đình hiến một quả thận hoặc một phần gan để ghép, cứu sống người thân mình.

Câu đầu tiên mà chị An, con gái bà T.T.H – một trong 2 người hiến tạng vừa được bác sĩ Thu nhắc đến là: “Hai người nhận thận của má em có khỏe không?”. Biết họ đều khỏe, chị An không giấu được sự xúc động, thắp lên bàn thờ má nén tâm hương: “Vậy là ở đâu đó, má cũng vui ha má”.

Trong tâm trí của chị An, ngày 27 tết năm 2010 là một ngày đau buồn nhất. Mẹ chị và đứa cháu bụ bẫm vừa tròn 1 tuổi gặp tai nạn ngay trước cửa nhà. Một thanh niên trong xóm vừa “độ xe” đã tông vào hai bà cháu khi họ băng qua đường. Vụ tai nạn khiến hai bà cháu bị thương nặng. Em bé mất trên đường đưa đến bệnh viện gần nhà. Bà H được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng mê man. Phim chụp CT cho thấy bà bị chấn thương sọ não rất nặng, chảy máu não, máu loang chèn hết não. Các bác sĩ cho biết không còn cách nào cứu được bà nữa, bà chỉ còn có thể sống đời sống thực vật 1%. Trong lúc đau xót khôn cùng vì một lúc phải mất đi 2 người thân, chị An đã đưa ra một quyết định táo bạo – đăng ký hiến tạng cho mẹ. Chị bàn với em trai: “Giờ má hết cơ hội cứu được rồi, chị tính để má hiến tạng cứu người khác. Em đồng ý nhen”. Người em trai đã không ngần ngại ủng hộ quyết định của chị.

Cho đến hôm nay, chị mới giải thích tường tận nguyên nhân: “Hồi trước, ba em là bác sĩ quân y. Ba giỏi lắm. Nhưng rồi khi mắc bệnh suy thận, ba cũng không thể tự cứu được mình. Vào những ngày cuối đời của ba, em ước gì có ai cho ba quả thận để ba sống. Hơn ai hết, em hiểu được nỗi khổ của những người mắc căn bệnh này. Bởi vậy khi má chuẩn bị mất, chị em em đã quyết định hiến thận nhân đạo cho má, để cứu sống những người suy thận. Má là người tốt nên em tin ở đâu đó, má cũng vui lòng với quyết định của em”.

Khi hai chị em đã quyết định xong xuôi và thông báo cho bệnh viện thì người cậu biết chuyện. Ông vô cùng giận dữ và quyết “không nhìn mặt cháu”. Chồng chị An cũng không vượt qua rào cản xã hội: “Không được đâu. Hãy để má chết toàn thây”. Mặc dù vậy, hai chị em vẫn cương quyết thực hiện ý định hiến tạng cho mẹ. Khi đưa mẹ về nhà làm ma chay, hàng xóm qua thăm cũng để ý và bàn tán xôn xao: “Ủa, bả bị thương cái đầu mà sao mổ cái bụng?”.

“Dù sao, theo thời gian mọi người cũng từ từ hiểu ra chị à. Còn chị em em thì luôn nhẹ nhõm với quyết định đó. Đôi khi, em lại biết ơn 2 người nhận thận của má. Vì họ đã viết tiếp sự sống cho má”.

Mang tiếng bán tạng của con vì quá nghèo

Trong những ngày đầu, quy trình điều phối hiến ghép tạng gặp không ít khó khăn, có những sự việc ngoài ý muốn xảy ra khiến bác sĩ Ngọc Thu và các đồng nghiệp phải quặn lòng. Như trường hợp gia đình bà N.H.S Bác sĩ Thu bộc bạch: “Đây là ca khiến chị ân hận rất nhiều. Vì đã không theo sát để giúp đỡ khiến gia đình chịu tiếng oan bán tạng của con vì quá nghèo”.

Với gương mặt hồn hậu, chất phác, bà S nắm chặt tay bác sĩ Thu sau nhiều ngày gặp lại, an ủi: “Bác sĩ đừng buồn. Tui hổng có phiền trách gì bác sĩ, bệnh viện đâu. Hồi đó, gia đình xảy ra quá nhiều chuyện, tui không nhớ ra mà gọi cho bác sĩ”. Bà T có tổng cộng 7 người con, 6 trai, 1 gái. Vì gia đình quá nghèo nên các con lớn lên, mỗi người phải tìm một nơi lập nghiệp, sinh sống. Bà sống ở Sài Gòn với 5 con cùng người chồng bị tai biến liệt nửa người. Hai con trai còn lại của bà sống ở quê ngoại Vĩnh Long. Tai họa ập đến với gia đình nhà bà S vào cuối năm 2012.

Vì một mâu thuẫn nhỏ với một thanh niên cùng làm nghề sửa xe máy trong xóm, con trai thứ của bà - anh T bị đánh đến gãy xương hàm, phải nhập viện. Bà S cắn răng bán tất cả những gì có thể bán được trong nhà để chạy chữa cho con. Trớ trêu, sau ca mổ, anh T lại gặp biến chứng xuất huyết não mủ, phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Nhưng do tình trạng của T quá nghiêm trọng, sức khỏe ngày một yếu đi và không thể chống chọi với lưỡi hái tử thần.

Kể đến đây, bà S không cầm được nước mắt: “Tui như chết điếng khi nghe bác sĩ nói nó hết cơ hội cứu chữa”. Không muốn các con nhìn thấy vẻ thảm hại của mình, bà S lặng lẽ ra hành lang ngồi khóc. Cô hộ lý thấy vậy đến trò chuyện, an ủi bà. Rồi một cách vô tư, cô kể về gia đình vừa đăng ký hiến tạng nhân đạo cho người thân, khuyên bà S hãy nghĩ đến vấn đề đó. Nghe vậy, bà S giận cô hộ lý lắm: “Con trai tui như vậy, tui nỡ lòng nào móc tim gan nó ra cho người ta”.

Bà S mang nỗi bức xúc đó kể cho con trai út Vinh: “Nghe tui kể vậy, nó âm thầm đến gặp bác sĩ để xác nhận tình trạng của anh nó. Rồi nó về biểu tui nén nỗi đau lại và nên để anh hiến tạng nhân đạo. Nó biểu tui - hồi còn sống, ảnh tốt bụng nhưng nghèo khó, không giúp gì được cho xã hội. Giờ ảnh mất, ảnh cứu được người khác thì tốt mà má. Cứu một mạng người bằng xây 8 bậc phù đồ”.

Trong gia đình, bà S vốn tin tưởng Út Vinh nhất. Bà thấy Út Vinh nói vậy cũng hợp lý nên đồng ý cho anh T hiến tạng nhân đạo. Bà đến gặp bác sĩ, xin lá đơn hiến tạng sau khi qua đời cho T, mang về để cả gia đình cùng xác nhận, ký tên. Năm đấy, đã có 2 bệnh nhân suy thận mạn đang chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy được cứu sống nhờ 2 trái thận của con trai bà S. Sau đó, gia đình bà âm thầm mang con trai về Vĩnh Long mai táng, không nhận bất kì một khoản kinh phí nào từ gia đình người nhận tạng.

Ấy vậy mà vừa mang con về Vĩnh Long lo ma chay, nhiều người hàng xóm xì xào bảo chắc bà nghèo quá nên bán tạng của con mà ăn. Công an xã cũng xộc vào nhà bà, hỏi như hỏi cung: “Bà bán hay hiến tạng con”. Bà biểu: “Tui cho nó hiến, nếu anh không tin thì lên Bệnh viện Chợ Rẫy hỏi bác sĩ Thu”. Khi ấy, miền Tây vào mùa nước nổi, nhà bà S ở quê bị ngập nước không có chỗ để quan tài. Bà phải tìm một vùng đất cao, trống cạnh bờ sông, chặt lá dừa che nắng để đặt quan tài, làm ma chay cho con. Nỗi đau vì mất người thân, nỗi uất ức vì mang tiếng bán tạng, đến giờ, gia đình bà S càng thêm tủi khổ vì không thể tổ chức đám tang chu đáo hơn cho người đã khuất.

Tai họa chưa dừng lại. Sau ngày lo ma chay cho con, bà S buồn quá, đi ra đường bị xe đụng gãy tay. Con trai lớn của bà lại gặp rắc rối khi đi xe đụng phải người khác gãy chân. Anh bị khởi tố, đi tù 5 năm. Năm sau, chồng bà cũng qua đời. Rơi vào cảnh “họa vô đơn chí”, bà lên TPHCM gượng sống để lo nốt cho 6 người con. Bà bỏ lại những điều tiếng nơi quê nhà: “Khi bị mang tiếng bán tạng của con, tui không biết tìm cách nào minh oan cho mình lại càng mặc cảm hơn. Có lúc, muốn ghé bệnh viện chỉ để tâm sự với bác sĩ, để vơi đi nỗi lòng mà cũng sợ người ta đồn tui đến làm tiền” – bà S bộc bạch.

Bà S cho biết, mãi đến tháng 3 năm 2015, bà S mới được minh oan khi gia đình bà được Bệnh viện Chợ Rẫy mời đến dự lễ vinh danh những người hiến tạng nhân đạo. Sự kiện được báo đài đưa tin. Tối hôm đó, ngồi coi tivi, con dâu bà phát hiện ra: “Bà đứng gần má là bà Bộ trưởng Bộ Y tế đó má”. Sau này, bà S về quê, có hỏi dò hàng xóm: “Bữa đó có coi tivi không? Tui đứng gần bà Bộ trưởng trong lễ vinh danh những người hiến tạng đó. Tivi cũng nói tui hiến tạng của con chứ không bán mà”. Bà S lại mang tấm ảnh “đứng gần Bộ trưởng” được Bệnh viện Chợ Rẫy gửi tặng treo lên tường để “minh oan” cho con, cùng tấm bằng khen của Bộ Y tế.

Bác sĩ Ngọc Thu cho rằng, những gia đình như chị An, bà S hay những gia đình mà chúng tôi chưa kịp kể đã đóng góp rất nhiều vào sự nghiệp hiến ghép tạng cứu người. Nhờ những trường hợp điển hình đó, xã hội có cái nhìn cởi mở hơn. Hiện nay, mỗi ngày, Trung tâm điều phối Hiến ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hàng chục lá đơn xin hiến tạng nhân đạo sau khi qua đời. Đến nay, số lá đơn đã lên đến gần 2000.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn